Các học giả cho rằng nơi chôn cất này thuộc về một vị vua cổ đại. Đây là ngôi mộ cổ lớn nhất và được trang bị nhiều đồ vật quý giá nhất từng được khám phá thuộc nền văn hóa Đại Văn Khẩu, vốn cai trị một phần ở miền Trung và Đông Trung Quốc từ khoảng năm 4.300 đến 2.500 trước Công nguyên.
Theo PGS. Chu Quảng Hoa, tại Trường Lịch sử thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, người dẫn đầu công trình khai quật, lăng mộ được tìm thấy tại ngôi làng có tên là Vương Trang, nơi từng phát hiện hơn 40 di chỉ. Phát hiện mới này là "độc nhất vô nhị" vì kích thước vô cùng lớn và nhiều hiện vật quý giá.
Thông tin từ Tân Hoa xã cho biết, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 300 hiện vật bên trong mộ cổ, có kích thước khoảng 4,8m x 3,7m.
Các hiện vật mai táng bao gồm một loạt các đồ gốm, trang sức bằng ngọc và các công cụ bằng xương, hài cốt động vật như xương hàm lợn, tượng trưng cho sự giàu có trong thời kỳ đó. “Không còn nghi ngờ gì nữa về chủ nhân ngôi mộ cổ là của một người ưu tú trong xã hội và có thể là một vị vua cai trị trong thời kỳ trung đến hậu Đại Văn Khẩu”, PGS. Chu Quảng Hoa nhấn mạnh. Sự nguy nga của ngôi mộ cũng cho thấy làng Vương Trang không phải là một khu dân cư bình thường, mà là kinh thành của một triều đại thịnh vượng với cấu trúc xã hội phân tầng cao.
"Qua sự khác biệt trong các hiện vật chôn cất, chúng tôi đã phát hiện rằng các ngôi mộ cổ trong nền văn hóa Đại Văn Khẩu có thể được phân loại thành ba hoặc bốn cấp độ khác nhau", ông Hoa chia sẻ.
Ngôi mộ cũng cho thấy bằng chứng rằng nền văn hóa Đại Văn Khẩu đã có sự giao thương rộng rãi với các nền văn hóa láng giềng.
Nhiều vật phẩm được tìm thấy tại địa điểm này dường như bắt nguồn từ các nền văn hóa nằm xa trung tâm Đại Văn Khẩu dọc theo phần phía đông của sông Hoàng Hà. Bao gồm các đồ vật từ nền văn hóa Lương Chử, hạ lưu sông Dương Tử, nền văn hóa Khúc Gia Lĩnh, giữa sông Dương Tử và nền văn hóa Hồng Sơn, lưu vực sông Liêu ở đông bắc Trung Quốc, cùng nhiều hiện vật khác.
"Phát hiện trên chứng minh rằng ở nền văn hóa này đã có sự trao đổi buôn bán giữa các nền văn hóa khác từ lâu đời. Nó cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn các khu vực giao lưu văn hóa với nhau như thế nào trong thời tiền sử”, Chuyên gia Lý Tân Vĩ, Phó Giám đốc Viện Khảo cổ của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết.
Trong số các hiện vật đã phát hiện một mặt nạ ngọc bích có niên đại hơn 2.000 năm. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy chiếc gui cổ nhất (tấm ngọc bích dùng trong nghi lễ). Tuy nhiên, ngôi mộ cũng mang dấu hiệu bị phá hủy, thậm chí theo một cách có chủ ý bởi các thế lực thù địch, những kẻ đã lấy đi thi hài, PGS. Chu Quảng Hoa cho biết thêm.
Đây cũng là bằng chứng đầu tiên cho thấy nền văn hóa Đại Văn Khẩu có tục lệ cải táng. Các thế hệ sau sẽ mở các ngôi mộ lên và chôn cất thêm người mới cạnh những người ban đầu.
Những ngôi mộ này ban đầu được dân làng ở Vương Trang phát hiện khi họ tình cờ tìm thấy mảnh ngọc bích, xương và đồ gốm trong lúc cải tạo một cái ao. Công việc khai quật tại khu vực này vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
Theo ông Hoa, cho đến nay, nhóm nghiên cứu mới chỉ khai quật được vài m2 trong khi toàn bộ ngôi làng cổ xưa này có tổng diện tích lên đến hơn 630.000 m2.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu có dự định khám phá các xưởng chế tác nơi mà nhiều hiện vật được tạo ra, cũng như các ngôi nhà nằm xung quanh địa điểm này.
"Việc khai quật có thể mất hơn một thập kỷ. Đây là một dự án dài hạn", Ông Hoa cho biết thêm.