Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định cho biết, sự phát triển của thành phố Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung luôn chú trọng đến nền tảng văn hóa, lịch sử và dựa trên cơ sở gìn giữ giá trị cốt lõi. Do đó, Hội thảo có ý nghĩa rất lớn, giải quyết sự trăn trở của địa phương trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố Huế.
Hiện nay, thành phố Huế có chủ trương nghiên cứu, tái thiết lại phố cổ Bao Vinh; giải phóng mặt bằng khu vực Công viên Trịnh Công Sơn, sớm đưa không gian này vào hoạt động đúng mục tiêu đã quy hoạch, tạo điều kiện khai thác, phát triển phố cổ Chi Lăng - Gia Hội. Việc bảo tồn bền vững các khu phố cổ sẽ không chỉ phục hồi mà còn phát huy được giá trị của chúng, thu hút du khách đến tận hưởng dịch vụ, du lịch và tạo nên động lực để người dân sống, phát triển kinh tế trong khu phố, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh.
Có 31 tham luận gửi đến hội thảo, tập trung chia sẻ về kết quả nghiên cứu lịch sử hình thành, quá trình phát triển và phương án bảo tồn, phát triển các khu phố cổ; trong đó, 26 tham luận được lựa chọn, biên tập trong kỷ yếu của Hội thảo.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, đại biểu đã thảo luận, làm sáng tỏ nhiều nội dung như: Thiết chế các khu phố cổ, vai trò của chúng trong việc hình thành di sản văn hóa; đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các khu phố trong lĩnh vực du lịch, kết nối không gian các khu phố cổ với hệ thống di tích Cố đô Huế.
Với phố cổ Bao Vinh, nhiều đại biểu cho rằng cần quy hoạch, bảo tồn, giữ lại một số khu nhà kiến trúc cổ, công trình tôn giáo, tín ngưỡng và phục chế nhà rường cổ để mở rộng, hình thành các tour du lịch; khai thác các mô hình du lịch văn hóa trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Mặt khác, để đáp ứng các tour tham quan và mô hình trên, cần tổ chức trục đường chính thành một tuyến đi bộ, nâng cấp hạ tầng với việc hình thành các tiện ích đô thị như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh… tạo thuận lợi và an toàn cho du khách.
Bàn về vấn đề phát triển du lịch ở các khu phố cổ, một số nhà nghiên cứu nhận định, khai thác giá trị văn hóa, lịch sử của phố cổ và bảo vệ các nhà vườn, đền miếu là một công việc cấp bách để có phương án đưa vào phục vụ hoạt động du lịch. Việc trang trí, bố cục không gian kiến trúc điểm di sản, giao thông, vệ sinh ở phố cổ gắn với không gian tâm linh, môi trường sống của cư dân phải được chú ý đúng mức.
Bên cạnh những đền đài, lăng tẩm, thành phố Huế còn có nhiều khu phố cổ kính như Bao Vinh, Chi Lăng - Gia Hội, Thanh Hà… Trong tiến trình phát triển đô thị, các khu phố cổ mang những giá trị về kiến trúc độc đáo, di sản lịch sử, văn hóa, ngành nghề thủ công truyền thống, phản ánh đời sống tinh thần của cư dân qua các thời kỳ đồng thời là yếu tố quan trọng nối kết các giai đoạn đô thị hóa vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Nhiều thế kỷ qua, với sự thay đổi của cấu trúc đô thị ở Huế và tác động của thời cuộc, cấu trúc các khu phố cổ ở Huế đã có nhiều biến đổi.
Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo không chỉ giúp thành phố Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung có phương án bảo tồn bền vững các khu phố cổ mà còn tìm ra chiến lược phát triển đúng đắn cùng các chính sách phù hợp vững vàng bước tới mục tiêu trở thành đô thị di sản đặc biệt, thành phố di sản cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam.