Hiện nay, Lạng Sơn đang nắm giữ nhiều di sản phi vật thể thuộc các loại hình khác nhau như: dân ca, lễ hội, tín ngưỡng,… trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Để lưu giữ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng này, ngành văn hóa tỉnh đã và đang có nhiều việc làm thiết thực. Nhờ đó, góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
Theo các tài liệu lịch sử, tín ngưỡng này có mặt ở Lạng Sơn từ khoảng cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, ngay từ khi du nhập đã có sự giao lưu và tiếp nhận mạnh mẽ với tín ngưỡng dân gian bản địa, đến nay đã ăn sâu vào đời sống văn hóa tâm linh của đại đa số người dân Xứ Lạng.
Chia sẻ với báo Lạng Sơn,Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn cho biết: Việc tôn thờ hình tượng Mẫu là một nét đẹp văn hóa truyền thống của một nước nông nghiệp như Việt Nam, thể hiện sự hòa hợp văn hóa, đạo lý uống nước nhờ nguồn, đề cao vai trò của người phụ nữ. Tại Lạng Sơn, song song với thờ Mẫu tại các đền, chùa, thì người Tày, Nùng còn thờ cả mẹ Hoa (Mẻ Bjoóc), đây là nét đặc trưng khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Lạng so với các vùng khác.
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 100 di tích trực tiếp thờ Mẫu hoặc phối thờ (có ban thờ Mẫu), tập trung chủ yếu ở thành phố Lạng Sơn và các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc,… Một số địa điểm tiêu biểu thờ Mẫu ở Lạng Sơn như: đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc), đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn),…
Thời gian qua, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lạng Sơn, Sở VHTT&DL đã có nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể, năm 2013, Sở VHTT&DL đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích Quốc gia đền Cửa Đông và tọa đàm khoa học tín ngưỡng thờ Mẫu. Cùng với đó, sở đã hướng dẫn các nghệ nhân lập hồ sơ trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân” loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, năm 2015 đã có 1 cá nhân được công nhận “nghệ nhân ưu tú”; năm 2020 có 3 cá nhân đang hoàn thiện hồ sơ để trình công nhận. Từ năm 2017 đến năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 3 chương trình giao lưu diễn xướng chầu văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng thu hút 75 nghệ nhân, thanh đồng trong và ngoài tỉnh tham gia. Ngoài ra, sở đã tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu đến với du khách gần xa trong và ngoài tỉnh trên trang thông tin du lịch của tỉnh và lồng ghép trong các sự kiện như tuần văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ,…
Cùng với những kết quả đạt được trong quá trình phát huy di sản này còn tồn tại một số hạn chế như: tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, làm méo mó, lệch lạc giá trị tín ngưỡng vẫn còn diễn ra; sự hiểu biết về tín ngưỡng và công tác bảo tồn tín ngưỡng còn hạn chế;… Di sản phi vật thể luôn nằm ở trạng thái động, được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng và hoạt động của con người do vậy rất dễ bị tác động, do vậy trong quá trình bảo tồn và phát huy cần có sự thận trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý đối với tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các hoạt động diễn xướng chầu văn, giới thiệu các giá trị đặc sắc của tín ngưỡng dịp đầu năm và tại các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo khoa học để nghiên cứu, tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu về giá trị của tín ngưỡng này đối với Lạng Sơn để có hướng bảo tồn phù hợp.
Việc phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn là một việc làm thiết thực và quan trọng để giữ gìn, lưu truyền cho thế hệ mai sau những vốn quý của cha ông.