Chân dung Nhâm Văn Hán do hoạ sĩ Bá Cường vẽ. |
Tôi cũng từng ngạc nhiên, thích thú như nhiều bạn “chơi face”. Và tôi cũng tò mò muốn biết Nhâm Văn Hán là ai, khi mà họa sĩ này chẳng những vẽ chân dung tôi đăng trên mạng xã hội, rồi còn gửi bức tranh gốc đến tận tay nhân vật. Hỏi thêm bè bạn, rất nhiều người cũng được nhận món quà bất ngờ như thế từ “hí họa gia” Nhâm Văn Hán.
Nhân vật vào tranh của Nhâm Văn Hán thuộc đủ thành phần xã hội được anh nhìn dưới góc độ hài hước, trào lộng. Họ có thể là những chính trị gia, văn nghệ sĩ, bạn bè đồng nghiệp… cho đến người thợ sửa xe trên đường phố đều đã và sẽ trở thành nhân vật của Nhâm Văn Hán. Anh nhìn chân dung các nhân vật của mình cũng như nhìn cuộc đời luôn rộn tiếng cười yêu thương.
Hí họa của Nhâm Văn Hán đem đến cho người xem cảm xúc yêu đời, thêm nhiều năng lượng tích cực trong dòng chảy miệt mài lo toan hàng ngày. Thể loại tranh hí họa khác với tranh châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu. Nhâm Văn Hán chọn hí họa chân dung có lẽ vì anh lựa chọn: Nhìn vào nét vui, dí dỏm, trào lộng của nhân vật thay vì soi ra mảng tối của mỗi người.
Hí họa của Nhâm Văn Hán đem đến cho người xem cảm xúc yêu đời, thêm nhiều năng lượng tích cực trong dòng chảy miệt mài lo toan hàng ngày. |
Nhâm Văn Hán, cho biết: “Những năm còn nhỏ tôi đã thích và yêu màu sắc, thích tự mình làm mọi thứ nhất là hình họa, tôi chưa từng học qua các lớp vẽ căn bản nào. Trước đó, vào năm 1996, tôi đi bộ đội ở Ban tuyên huấn của Sư đoàn 302, Quân khu 7. Một hôm, tôi được cấp trên giao cho công việc làm pano cổ động bằng sơn dầu, khi đó tôi không biết gì về vật liệu sơn và tranh thể loại này, nhưng vẫn mạnh dạn thử sức và kết quả rất tự hào khi được Sư đoàn 302 chọn tác phẩm của tôi và treo trang trọng tại Sư đoàn”.
Thế nhưng đến năm 1998 khi ra quân, Nhâm Văn Hán đi học… kế toán. Năm 1999, trong một lần đi lang thang các sạp sách cũ, anh thấy cuốn sách “Hình họa căn bản” nói về hí họa nên rất hứng thú mua cuốn sách này đem về nghiên cứu. Anh tiếp tục mua sách nghiên cứu và bắt đầu tự tập vẽ ký họa, truyền thần. Từ cuối năm 2013 cho đến nay, Nhâm Văn Hán bắt đầu vẽ hí họa chân dung tặng những ai mà anh nhìn thấy trong họ chứa nhiều “tiếng cười yêu thương”.
Tôi hỏi Nhâm Văn Hán, vẽ biếm họa – hí hoạ, nhất là vẽ về chân dung nhân vật, khó nhất là gì? Anh bộc bạch: “Tôi cho rằng, vẽ chân dung hí họa cái khó nhất là diễn tả được tâm trạng nhân vật, các điểm nhấn (nhận dạng) quan trọng của nét dạng khuôn mặt. Vẽ biếm họa – hí họa các nét có tính động và các nguyên tắc hình họa động luôn song song đối ứng”.
“Hí họa gia” Nhâm Văn Hán luôn muốn diễn đạt nội tâm nhân vật qua hình ảnh hí họa chứ không phải biếm họa. |
Hỏi tiếp: “Nhân vật có phản đối hay thích thú với biếm hoạ của Hán?”. Anh thẳng thắn: “Tôi nghĩ rằng, hí họa có thể là mới mẻ trong suy nghĩ của nhiều người, hiện vẫn coi đó là tranh chân dung biếm họa nhân vật. Nên hí họa hay biếm họa chân dung vẫn là lằn ranh giữa biếm – hí. Như câu hỏi của anh, tôi cũng bị một số người phản đối vì tôi vẽ chân dung bạn bè của họ mà không vẽ… chân dung chính họ”.
“Hí họa gia” Nhâm Văn Hán luôn muốn diễn đạt nội tâm nhân vật qua hình ảnh hí họa chứ không phải biếm họa. Anh nhìn thấy sự tự do trong mỗi chân dung, đó là giá trị cao cả nhất và vinh dự nhất cho những sinh vật có lý trí trên mặt đất này. Theo anh, nền tảng của tranh hí họa là luôn xác định con người cao hơn vạn vật. Vẽ hí họa để tôn vinh con người thông qua niềm vui, nụ cười hiện lên trên mỗi bức chân dung.
Xuyên suốt trong tất cả tác phẩm hí họa của Nhâm Văn Hán là tạo sự vui vẻ, hứng khởi, bao dung và truyền năng lượng tích cực cho cuộc sống. Rất nhiều “bạn face”, đồng nghiệp của Nhâm Văn Hán đang chờ một cuộc triển lãm của anh để cùng đến chung vui, mong lắm thay!
Dưới đây là một số tác phẩm hí họa tiêu biểu và mới nhất của Nhâm Văn Hán:
“Hí họa gia” Nhâm Văn Hán cầm tinh con cọp (Giáp Dần - 1974), quê Thái Bình. Hiện anh đang làm việc tại Biên Hòa, sống bằng nghề kế toán viên cho các doanh nghiệp ở khu vực Đồng Nai và TPHCM.
Nhâm Văn Hán tự học vẽ qua sách báo, internet, anh chưa từng tham gia hội đoàn về mỹ thuật, chưa có in sách và chưa triển lãm riêng. Nhưng anh luôn mong muốn vẽ tranh hí họa để góp phần xiển dương tính cách lạc quan, yêu đời, trào lộng… của người Việt mình.