Phát biểu trong chương trình cuối cùng của Lễ hội tại sân khấu nút giao giữa phố Đinh Tiên Hoàng và phố Hàng Khay, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, với hơn 110 hoạt động chính cùng các chương trình cộng hưởng được tổ chức trong suốt thời gian Lễ hội, sự kiện được đông đảo người dân, cộng đồng sáng tạo, khách tham quan trong và ngoài nước đánh giá cao. Lễ hội được ví như “bữa tiệc” đa sắc màu, trở thành nơi giao thoa, kết nối các nhà thực hành sáng tạo, các nghệ sỹ, nhà thiết kế, các chuyên gia và cộng đồng.
“Giá trị ý nghĩa nhất mà Lễ hội mang lại là hình thành nhận thức mới cho người dân về sáng tạo cũng như về văn hóa, lịch sử, kiến trúc thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác với di sản, tham gia các hoạt động cộng đồng”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Tính lan tỏa của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ ở giới trẻ mà cả những người lớn tuổi và các em thiếu nhi. Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, các kênh báo chí, truyền thông, các hoạt động được đánh giá có chất lượng chuyên môn cao, được vận hành chuyên nghiệp và an toàn, tạo ra những trải nghiệm phong phú và đầy cảm hứng cho cộng đồng. Sự tham gia đông đảo của nhân dân Thủ đô và du khách đã khiến Lễ hội trở thành một sự kiện văn hóa sáng tạo mang tính cộng đồng sâu sắc, truyền cảm hứng mạnh mẽ về đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại lễ bế mạc. |
Trong chương trình tối 17/11, các đại biểu, người dân và du khách được thưởng thức các màn trình diễn ấn tượng, đặc sắc.
Trước đó, trong khuôn khổ Lễ hội, chiều 17/11, khoảng 500 người đã tham gia Ngày hội Việt phục "Bách Hoa bộ hành" lần thứ tư. Đoàn diễu hành xuất phát từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đi qua Nhà hát lớn, Quảng trường Cách mạng tháng Tám và tiến vào không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Hoạt động nhằm giới thiệu, tôn vinh nét đẹp cổ phục Việt, giúp khán giả tìm hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của trang phục truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ như áo dài, áo tấc, áo Giao Lĩnh, áo Nhật Bình...
Theo Ban tổ chức, sau 9 ngày tổ chức, Lễ hội đón hơn 30 vạn lượt khách đến tham gia, trải nghiệm tại các điểm trên tuyến chính; trong đó những ngày cuối tuần, Lễ hội đón gần 60.000 người/ngày tại các điểm có cổng ra vào, chưa kể các không gian mở. Nhân dân và du khách kiên nhẫn xếp hàng, háo hức chờ tham quan.
Với ba trụ cột thiết kế - sáng tạo - cộng đồng, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, cộng đồng đã trở thành chủ thể của Lễ hội. Họ không chỉ đến tham quan, trải nghiệm mà còn tương tác, hòa nhịp với các hoạt động, sự kiện. Lễ hội năm nay đã tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành thí điểm triển khai bán “Tour Sáng tạo” có sẵn, ghi nhận mỗi ngày ngàn lượt thanh toán trực tuyến. Thử nghiệm ứng dụng công nghệ giúp công chúng chủ động lựa chọn, thuê “trợ lý chuyến đi” cùng tự thiết kế tour cũng thu hút công chúng, đặc biệt là du khách nước ngoài. Các chuyên gia sáng tạo đã vào cuộc thử nghiệm dẫn “tour giám tuyển”, “tour kiến trúc sư”, “tour nghệ sĩ” nhằm giúp tối đa hóa khả năng tiếp cận thông tin cho khán giả.
Thí điểm Triển lãm ý tưởng thiết kế sáng tạo tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng cũng nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng. Các ý tưởng tới từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức thực hành sáng tạo trên cả nước được trưng bày, biến triển lãm thành nơi chia sẻ và cổ vũ tinh thần dũng cảm sáng tạo, đồng thời hướng tới kết nối các nguồn lực hỗ trợ (nhà tài trợ, đầu tư tiềm năng...) đưa các sáng kiến sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống.
Đây là những nét mới, tạo sự khác biệt, tăng thêm sức hấp dẫn và tạo thành công cho Lễ hội, gợi ý nhiều hướng khai thác các sản phẩm dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế sáng tạo Hà Nội. Những thí điểm thành công này cũng mở ra các điều kiện chuẩn bị cho sự ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội trong thời gian tới.