Thực trạng hạ tầng đô thị xanh
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2-3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20-25 m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5-1/10 của thế giới.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị phát triển nhất cả nước hiện chỉ tiêu cây xanh còn thiếu. Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị, tiêu chuẩn thiết kế, mật độ cây xanh công cộng đối với đô thị đặc biệt như thành phố là 15 m2/người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh công cộng đầu người hiện tại của đô thị đặc biệt này là thấp hơn nhiều, chưa đến 1m2/người.
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố cần quy hoạch và đầu tư xây dựng các vành đai xanh xung quanh thành phố, trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển mảng xanh ở vùng đô thị trung tâm như các Quận 1, 3, 4, 5, 10… không còn. Vì vậy, cần phát triển các mảng xanh ở vùng đô thị mới và vùng ven đô thị để trang trí thay cho công trình bị bê tông hóa.
Bên cạnh đó, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh trong các đồ án quy hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh hiện là hơn 11.400 ha, tương ứng chỉ tiêu 7 m2/người. Trong khi thực tế hiện nay tổng diện tích công viên hiện hữu chỉ khoảng 500 ha, tương ứng 0,55 m2/người.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường, nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn, đáp ứng theo chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch chung của thành phố.
Đồng thời, theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng có mục tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng, tương đương trồng mới 10 triệu cây xanh các loại.
Là đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai, địa phương có kinh tế - xã hội phát triển bậc nhất cả nước, thành phố Biên Hòa có 6 khu công nghiệp đang hoạt động. Công nghiệp phát triển kéo theo tốc độ gia tăng dân số cũng như tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Thành phố Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước, với hơn 1,15 triệu dân. Dân số đông, mật độ dân số cao khiến quỹ đất dành cho các công trình công cộng ngày càng trở nên eo hẹp, trong đó có quỹ đất dành cho phát triển cây xanh trên địa bàn.
Thông tư số 01/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng quy định, đối với đô thị loại I, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị phải đạt tối thiểu 6 m2/người dân. Tuy nhiên, theo UBND thành phố Biên Hòa, diện tích cây xanh tập trung trên bình quân đầu người trên địa bàn thành phố hiện chỉ đạt khoảng hơn 1 m2/người dân.
Do vậy, để đáp ứng tình hình phát triển mới, thành phố Biên Hòa đang tập trung hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.
Mở rộng không gian xanh
Nhiều năm qua, diện tích mảng xanh của Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu phát triển theo các công trình, dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Việc phát triển này chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, nhất là đối với các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh như thành phố Thủ Đức, quận Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè…
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, để quản lý, phát triển mảng xanh trong đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh cần siết chặt kiểm soát diện tích công viên đang sử dụng sai mục đích để trả lại không gian công cộng tại các công viên. Đồng thời, cần thanh tra, giám sát chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị buộc phải thực hiện nghiêm túc cam kết xây dựng diện tích công viên cây xanh theo đúng quy định để không gian sống của cộng đồng dân cư được hài hòa, thân thiện hơn với môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức chỉ đạo 34 phường lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Qua đó, các phường chủ động, khẩn trương rà soát khu đất công để quy hoạch công viên trên địa bàn.
Chuyên gia quy hoạch và đô thị - Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với công viên công cộng có quy mô lớn trên 10 ha, quy hoạch xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp như: Khu vui chơi có thu phí, khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề; khu dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà hoặc ngoài trời...
Để đạt mục tiêu diện tích cây xanh đạt 3-4m²/người vào năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào mỗi người dân thành phố trồng một cây xanh. Cùng với đó là huy động nguồn lực về kinh phí, lao động, việc tình nguyện tham gia của tổ chức, đoàn thể, quần chúng, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực phát triển công viên cây xanh. Theo đó, Nhà nước sẽ làm quy hoạch cho chỉ tiêu quy hoạch của từng dự án, xây dựng các chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng công viên, cơ chế quản lý để phát triển công viên hiệu quả nhất.
Tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, để khắc phục tình trạng thiếu mảng xanh cũng như các không gian công cộng phục vụ nhu cầu của người dân, nhiều năm qua, thành phố chú trọng đến việc xây dựng công viên kết hợp trồng mới cây xanh nhằm gia tăng thêm mảng xanh cho đô thị Biên Hòa.
Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên đề xuất, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép thành phố được thực hiện giải pháp để tăng tỉ lệ cây xanh tập trung trên địa bàn. Theo đó, thành phố Biên Hòa kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe nhiều tầng kết hợp thêm diện tích để trồng cây xanh.
Các nhà đầu tư đóng vai trò vừa khai thác các bãi đậu xe vừa chăm sóc, phát triển diện tích cây xanh kết hợp. Thành phố sử dụng diện tích đất nhỏ, đủ điều kiện, phù hợp quy hoạch để xây dựng thêm công viên nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân vừa tăng thêm diện tích đất cây xanh đô thị.