Sau thời gian dài tiến hành đàm phán và chuẩn bị, ngày 15/6/2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1.
Dự án được thực hiện trên diện tích đất 242,71 ha thuộc địa bàn huyện Hải Hậu, với tổng vốn đầu tư 2,072 tỷ USD, sử dụng nguyên liệu than, tổng công suất hai tổ máy khoảng 1.109,4 MW.
Đây là dự án do Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất làm chủ đầu tư. Công ty này đăng ký thành lập tại Singapore trên cơ sở tái cấu trúc từ Công ty TNHH Điện Taekwang – Hàn Quốc và Công ty Quốc tế về dự án điện và nước, thuộc Vương quốc Ả Rập Xê – Út.
Tại Hội nghị Gặp mặt báo chí do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 24/1/2019, ông Trần Văn Chung – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Nam Định cho biết, nếu không có gì thay đổi, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 sẽ được khởi công vào đầu năm tới.
Theo ông Chung, một trong những lý do khiến Nam Định kêu gọi đầu tư đối với dự án này là hiện nay mức thu ngân sách mỗi năm của cả tỉnh Nam Định đang rất thấp, chỉ tương đương với mức nộp ngân sách của nhà máy Hyundai Thành Công tại tỉnh Ninh Bình. Việc dự án có mức vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay tại Nam Định đi vào vận hành sẽ góp phần tăng thu ngân sách của địa phương này.
“Chỉ khi đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện thì thu ngân sách mới tăng đột phá lên, được chứ như hiện nay thu ngân sách mỗi năm chỉ mấy nghìn tỷ đồng,” ông Trần Văn Chung cho hay.
Trước những lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường khi nhà máy nhiệt điện chạy bằng nguyên liệu than (chưa kể nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt), Phó Bí thư tỉnh ủy Nam Định cho rằng đương nhiên nhà đầu tư cũng có tính toán đến việc đảm bảo môi trường, nếu không sẽ bị đóng cửa nhà máy.
“Từ câu chuyện của Formosa, bây giờ bản thân nhà đầu tư họ cũng phải lo về công nghệ, nếu không sẽ bị dừng hoạt động”.
Ông Chung cho hay, trước đây cử tri huyện Hải Hậu cũng có nhiều ý kiến, nhưng sau khi đưa đại diện nhân dân Hải Hậu và các ban ngành sang Nhật Bản thăm quan, có thể thấy rằng nhiệt điện không có vấn đề gì về khói bụi khi có phương án xử lý.
“Bây giờ cơ chế vận hành và kiểm soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ chế giám sát ràng buộc khác đã chặt chẽ hơn nhiều, nên chúng ta có thể yên tâm,” ông Chung trấn an.
Được biết, thời gian vận hành của hợp đồng BOT là 25 năm sau ngày vận hành thương mại nhà máy. Đến nay Hội đồng GPMB đã chi trả xong 100% số tiền bồi thường, hỗ trợ thuộc phạm vi GPMB (4 tổ chức, 91 hộ dân) với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 18,751 tỷ đồng.
Trước đó, dự án dự kiến được khởi công vào quý 4/2018 nhưng chưa thể khởi công do vướng mắc về diện tích bãi chứa tro xỉ của nhà máy nhiệt điện và hợp đồng cung cấp than với TKV.
Vướng mắc duy nhất hiện nay là việc TKV đề xuất sửa đổi nội dung về “Thay đổi quyền kiểm soát” (khi TKV cổ phần hóa và Nhà nước không nắm giữ trên 51% cổ phần của TKV).
Ngoài dự án trên, tháng 4/2017 tỉnh Nam Định cũng đã khởi công dự án xây dựng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông diện tích 514,16ha thuộc khu nuôi trồng thủy hải sản ven biển huyện Nghĩa Hưng, do CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Đây là dự án đón đầu “sóng” TPP nhưng đến nay đang chậm tiến độ, một trong những nguyên nhân là do các cổ đông của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng thường xuyên có sự biến động, gây ảnh hưởng tới việc giải ngân và kế hoạch đầu tư của chủ đầu tư cho dự án.
Bên cạnh đó, do khu vực triển khai dự án vốn là ao đầm nuôi trồng thủy hải sản của người dân, số lượng cát san lấp cần rất lớn, khoảng 12,3 triệu m3. Tuy nhiên, các nhà cung cấp hiện nay chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, trong khi giá cát bị đẩy lên cao.