Hội nghị do Hội Phẫu thuật nhi Việt Nam phối hợp với Hội Ngoại nhi Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trong 2 ngày 25 - 26/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sỹ Hồ Tấn Thanh Bình, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sinh non và dị tật bẩm sinh là nguyên nhân chính gây nên tử vong ở trẻ sơ sinh. Nếu như có sự can thiệp kịp thời của bác sỹ nhi khoa thì tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh sẽ giảm xuống đáng kể. Năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương can thiệp, phẫu thuật cho 55 trường hợp trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh và cứu sống 49 trẻ. Đặc biệt, tháng 7/2018, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã can thiệp kịp thời, cứu sống một bé gái sinh non 24 tuần tuổi, cân nặng chỉ 600 gram mắc dị tật tim bẩm sinh.
Bác sỹ Trần Công Bảo Phụng, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho rằng sự phối hợp giữa các bệnh viện sản và nhi vẫn còn hạn chế. Chưa có sự liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện sản và nhi, bác sỹ nhi khoa vẫn chưa được thông tin về các chẩn đoán dị tật từ thai kỳ, vận chuyển trẻ sơ sinh từ bệnh viện sản đến bệnh viện nhi chưa an toàn… Nhiều trẻ sơ sinh được bệnh viện sản khoa chuyển đến bệnh viện nhi trong tình trạng tím tái, phù nề, không thể cứu được. Do đó, bác sỹ Phụng cho rằng, để giảm thiểu tử vong trẻ sơ sinh, giữa các bệnh viện sản và nhi cần có sự phối hợp toàn diện từ chẩn đoán, tư vấn trước sinh đến xử trí cấp cứu sau sinh và thực hiện chuyển trẻ đến bệnh viện nhi một cách an toàn, nhanh chóng nhất.
Đánh giá cao sự phối hợp giữa sản khoa và nhi khoa trong việc can thiệp, cứu sống trẻ sơ sinh, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, đây là xu hướng mà các nước phát triển trên thế giới đã và đang thực hiện. Thậm chí, ở nước ngoài, trong một số trường hợp các bác sỹ của bệnh viện nhi đã đến tận phòng mổ của bệnh viện sản hay một sản phụ được đưa đến bệnh viện nhi để các bác sỹ nhi khoa can thiệp sớm ngay khi trẻ mới ra đời. Điều này giúp tỷ lệ trẻ sơ sinh được cứu sống luôn ở mức cao.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, tại Việt Nam điều này vẫn chưa thể thực hiện bởi những rào cản về cơ sở vật chất như phòng mổ bệnh viện sản luôn quá tải hay phòng mổ sản khoa không đáp ứng được yêu cầu của một ca phẫu thuật tim. Bên cạnh đó, những rào cản về chính sách như Bảo hiểm y tế không thanh toán một ca phẫu thuật nhi diễn ra tại bệnh viện sản và ngược lại. Vì thế, trong tương lai, ngoài việc phối hợp giữa bệnh viện sản và bệnh viện nhi, rất cần sự bắt tay giữa các bên liên quan, giữa ngành y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội…
Với chủ đề “Chẩn đoán và can thiệp sớm dị tật bẩm sinh từ sản khoa đến nhi khoa”, Hội nghị phẫu thuật nhi Việt Nam lần thứ 13 thu hút sự tham dự của hơn 600 đại biểu với hơn 40 bài báo cáo thuộc các lĩnh vực sản khoa, ngoại nhi, nhi – sơ sinh, điều dưỡng… của các bác sỹ, chuyên gia hàng đầu trong nước. Đặc biệt, với sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài từ Hoa Kỳ, Singapore, Bỉ, Italia - những quốc gia có tỷ lệ sinh non và tử vong sơ sinh thấp nhất thế giới đã mở ra nhiều giá trị mới trong kết nối và cập nhật tiến bộ, an toàn phối hợp giữa sản khoa và nhi khoa.