"Cháu tôi vừa học nửa năm lớp 1 mà đã phải đọc trơn tru rồi, sách giáo khoa cũng khác so với trước đây, nên không học thì con cháu mình chỉ có thể chạy sau thôi bạn ạ" hay "Con chị đã biết đọc chữ chưa? Đã cho đi ôn luyện trước chưa? Phải biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1, chứ kiến thức không chờ con mình đâu.v.v.." Những dòng bình luận như vậy đang ngày càng nối dài trên các diễn đàn chia sẻ về kinh nghiệm cho con học trước chương trình tiểu học.
Nhiều ý kiến trái chiều
Chị Lê Ánh Hồng ở Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội có con gái đang học năm cuối của bậc mẫu giáo ở một trường tư thục gần nhà. Sang năm tới, chị dự định sẽ đăng ký cho con mình theo học vào một trường tiểu học công lập.
Tuy nhiên, trong đợt nghỉ Tết dương lịch vừa rồi, họp mặt đám bạn cùng lớp tình cờ nghe mấy chị em bàn tán râm ran chuyện cho các con chuẩn bị vào học lớp 1 năm tới đi ôn luyện trước kỹ năng để khi vào học chính thức không bị bở ngỡ. Dù không biết thực hư chuyện này thế nào nhưng gia đình chị cũng nhốn nháo cả mấy hôm nay.
Chị Hồng chia sẻ: “Nếu cách dạy và bộ sách giáo khoa vẫn như trước đây thì tôi cũng không mấy phân vân và để ý nhiều đến chuyện ôn luyện trước cho con. Giờ cái gì cũng mới, con mình lại học mầm non tư thục, không biết là con có được học tập bài bản để thích ứng được với chương trình mới hay không. Chỉ lo con tụt lại so với các bạn
Hôm trước đi chơi nghe các chị bạn nói về việc nếu không cho con rèn luyện trước một số kiến thức thì khi con theo học ở lớp 1 bé sẽ không theo kịp chương trình mới, hiện tại chưa biết thực hư thế nào nhưng hai vợ chồng cũng đang quay cuồng mà chưa tìm ra lớp nào bổ trợ để yên tâm gửi con đi học”.
Không chỉ riêng chị Hồng đang rối bời với chuyện này, trên các diễn đàn của các phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 thì chuyện này còn được bàn tán xôn xao không kém.
Nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn (Ảnh chụp màn hình facebook: Hành trang cho con vào lớp 1) |
Bình luận về một bài viết trên nhóm: Hành trang cho con…, tài khoản Nguyễn Hương thắc mắc: “Liệu không cho con đi ôn luyện trước khi vào lớp 1 có bị ảnh hưởng gì không mọi người? lo cho con quá mà hai vợ chồng không có nhiều thời gian tìm lớp cho con”.
Tài khoản Lê Lý cũng tỏ ra sốt ruột: “Cháu tôi vừa học nửa năm lớp 1 mà đã phải đọc trơn tru rồi, sách giáo khoa cũng khác so với trước đây, nên không học thì con cháu mình chỉ có thể chạy sau thôi bạn ạ”.
Còn tài khoản Cường Lê thì lại có quan điểm khác: “Các bố mẹ không phải lo lắng cho con ôn luyện làm gì, vừa ảnh hưởng tới công việc của phụ huynh mà các bạn nhỏ thì lại bị căng thẳng đầu óc vì học nhiều quá.
Cứ để tự nhiên vì tư duy mỗi trẻ mỗi khác, nếu trẻ sáng tạo thì dù có áp dụng chương trình nào các bạn ấy cũng sẽ thích nghi được. Đó là chưa kể theo lộ trình thì Bộ Giáo dục cũng tính đến các trường hợp có thể xảy ra khi đưa ra một chương trình mới vào thực tiễn”.
Phụ huynh đau đầu phân bổ thời gian
Vì nuôi giấc mơ cho con vào một trường tiểu học công lập ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) mà gia đình anh Đoàn Minh Lâm trú tại phường Dịch Vọng suốt hai tuần nay cũng đã phải “họp bàn” phân công công việc của hai vợ chồng để chạy đôn chạy đáo tìm nơi dạy trước chương trình lớp 1 cho con.
Tuy nhiên, đặc thù làm công việc tự do, giờ giấc không cố định nên dù đã tìm được lớp cho con rồi, chuyện điều tiết giữa công việc của hai vợ chồng và việc học của con cũng không hề dễ dàng.
Anh Lâm cho biết: “Ngày nào cũng vậy, vợ chồng tôi cũng phải phân công nhau đưa con đi ôn luyện vào mỗi chiều tối sau khi con tan học ở trường mầm non về.
Tôi thì làm nghề tự do, mỗi khi khách hàng yêu cầu tôi đều phải có mặt để nhận việc.
Thời buổi người khôn của khó, phải tranh thủ thời gian mới giữ được khách, rồi may ra đủ chi phí trang trải cho cuộc sống, cái tết thì đang cận kề, con cái đi học thì vẫn phải lo cho bằng bạn bằng bè. Cứ nghĩ đến việc học của con mà sốt hết cả ruột”.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng cho con nếu không cho đi học trước chương trình lớp 1 (Ảnh minh hoạ: Trung Dũng) |
Chúng tôi cũng được biết thêm, từ khi cho con đi ôn luyện công việc của chị Nguyễn Bích Hạnh – vợ anh Lâm cũng đang bị đảo lộn không kém. Để kịp giờ đến lớp ôn luyện của con, dù chưa đến giờ tan sở, chị đã phải xin về sớm, nháo nhào chuẩn bị cơm nước rồi đưa con đi học thêm.
Không thể xin về sớm mãi được nên chị nghĩ ra cách tìm những phụ huynh có chung “cảnh ngộ” để gom nhóm rồi thuê xe đưa đón.
“Nghe các chị có con học lớp 1 năm nay rỉ tai nhau nếu không học tiền lớp 1 sẽ là một sai lầm lớn. Với chương trình thay đổi chóng mặt như hiện nay, các con khó có thể theo được các bạn.
Giờ đâm lao phải theo lao thôi, dù sách báo có khuyên không nên học tiền lớp 1 nhưng một thực tế là ai ai cũng cho con đi học, chả nhẽ mình không cho con đi học, biết đâu vì điều này sẽ khiến con mình trở nên tụt hậu với các bạn”, chị Hạnh tâm sự.
Còn anh Lê Hoàng Dương ở Xa La (Hà Đông, Hà Nội) có con đang học lớp 1 tâm sự: “Đứa con đầu tôi có quan niệm không ép con học, học đến đâu thì học nên khi mẹ chúng nói cho con đi học thêm, học chữ trước khi vào lớp 1 tôi phản đối ngay vì cho rằng phản khoa học.
Nhưng không rõ do không được học trước chương trình hay do chương trình mới quá nặng mà đứa đầu nhà tôi hiện đang học lớp 1 cũng cảm thấy rất vất vả.
Hôm nào đi đón cũng thấy con phải ở lại viết cho xong bài trong khi các bạn khác đã về từ lâu.
Ăn uống xong, nói đến việc học bài là con lại nước mắt ngắn dài. Vợ tôi thì oán trách và đổ lỗi do tôi không cho con đi học thêm nên mới thành ra khổ sở như bây giờ.
Vì thế, đứa thứ hai sẽ học lớp 1 vào năm tới tôi dự định sẽ cho con đi học chữ trước để hai vợ chồng tránh cảnh cãi nhau”.
Theo anh Hùng, xu thế chung hiện nay là nhà nào cũng cho con đi học thêm. Bởi lẽ, có những buổi tối kèm con nhưng anh không biết giải thích thế nào với chương trình mới hiện nay.
Cách học chương trình mới cũng khác so với ngày xưa được học nên những buổi dạy con học âm, học vần còn được ví von như những cuộc đấu.