Trong văn bản gửi Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM hồi đầu tháng 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ sau chỉ đạo của Bộ trưởng, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt 1 (Hội đồng thẩm định) đã rà soát tổng thể nội dung sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, xem xét phản ánh của dư luận, tổ chức đối thoại với tác giả và nhà xuất bản để thống nhất nội dung cần điều chỉnh, bổ sung, tổ chức thẩm định bản mẫu.
Căn cứ hồ sơ đề nghị thẩm định của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM và báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép điều chỉnh nội dung ngữ liệu sách theo bản mẫu "Tài liệu điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều".
So với tài liệu nhà xuất bản đăng tải hôm 14/11 để xin ý kiến, tài liệu được Bộ phê duyệt có một số điểm khác.
Về ngữ liệu bài đọc, có 12 "bài đọc thay thế" cho 12 bài bị cho là không phù hợp trong sách giáo khoa. Ở lần xin ý kiến, chỉ có 11 bài đọc trong danh sách này và được đề là "bài đọc bổ sung" chứ không phải "thay thế". Ở phần điều chỉnh từ ngữ, 14 trang sách có từ được điều chỉnh. Cụ thể như sau:
Ảnh: VEPIC. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM cung cấp tài liệu này đến cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh tiểu học đang sử dụng sách giáo khoa môn Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều đảm bảo kịp thời, thuận tiện cho người sử dụng.
Về phía Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM, ngay trong lời nói đầu của bộ tài liệu, đơn vị này và các tác giả khẳng định đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến với tinh thần cầu thị. Nhà xuất bản gửi lời cảm ơn, mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông, ý kiến xây dựng từ các cơ sở giáo dục, người dùng sách và độc giả.
Hai bài đọc thay thế trong tài liệu điều chỉnh ngữ liệu sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều. Ảnh: VEPIC. |
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.
Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực. Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1. Vài ngày sau đó, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là "dạy thói xấu cho học sinh".