Theo đó, dù đã qua hai vòng thẩm định bởi các chuyên gia đầu ngành nhưng cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được đưa vào giảng dạy năm học này đều có “sạn”.
Sách giáo khoa quá nhiều “sạn”
Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, kết quả tự rà soát của đơn vị này cho thấy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống phải chỉnh sửa nhiều nhiều nhất với hơn 37 trang, gồm sách giáo khoa tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) và Giáo dục thể chất 1. Bộ sách Chân trời sáng tạo phải sửa lỗi ở 7 trang sách giáo khoa môn tiếng Việt 1(tập 1) và môn tiếng Anh. Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực sửa lỗi trong khoảng hơn 24 trang tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2). Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục sửa lỗi ở một trang trong sách tiếng Việt 1 (tập 1).
Sửa sách ngay trong năm học này hay để đính chính trong năm sau là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau khi các nhà xuất bản công bố “sạn” sách giáo khoa. TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay các sai sót này sẽ được chỉnh sửa trong năm học tới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Bộ phải chỉnh sửa ngay trong năm học này để học sinh không phải học sách lỗi ở học kỳ II. “Sai là phải sửa ngay chứ không để chờ đến năm học tới bởi nó liên quan đến vấn đề dạy người”, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục tiểu học nêu quan điểm. Bà Hương cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động rà soát lại toàn bộ các bộ sách thay vì để các nhà xuất bản tự rà soát, tự đề xuất nhằm “nhặt sạn” triệt để hơn nữa. Đây cũng là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, Thành viên Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo. “Sai sót dù nhỏ lớn thì đều phải được khắc phục ngay, phải có trách nhiệm sửa để gửi đến trường biết sai và sửa như thế nào, vì học trò, trách nhiệm với khách hàng của mình, sang năm sửa là tất yếu còn bây giờ biết sai mà không sửa là không được”, tiến sỹ Vũ Tùng Lâm nói.
Chặt chẽ hơn trong thẩm định
Những sai sót trong sách giáo khoa khiến nhiều người không khỏi thất vọng khi bộ sách đã được thẩm định bởi các chuyên gia đầu ngành. TS Vũ Thu Hương, cho hay: “Tôi rất thất vọng vì chúng ta đã lưu hành những sản phẩm không chất lượng. Điều này cho thấy dường như trong công đoạn thẩm định và thử nghiệm không ổn”. Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng nếu các sách giáo khoa có đủ thời gian để thực nghiệm ở các nhà trường thì những sai sót trong sách có thể đã được phát hiện và khắc phục trước khi được phê duyệt.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy, cô giáo Ngô Thị Hồng Lương, Trường Tiểu học Trần Phú, Hà Nội bày tỏ mong muốn tác giả các bộ sách sẽ có rút kinh nghiệm từ bộ sách lớp 1 để chỉnh sửa phù hợp với giáo viên và học sinh. “Tôi cũng mong các nhà xuất bản, hội đồng thẩm định và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có điều chỉnh để các bộ sách tiếp theo không bị sạn như sách giáo khoa lớp 1”, cô Lương nói.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay hiện Bộ đang thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 để đưa vào giảng dạy trong các nhà trường từ năm học 2021-2022. Để giúp nhặt sạn sớm trước khi đưa bộ sách vào áp dụng, khác với việc thẩm định sách lớp 1 chỉ có các thành viên hội đồng thẩm định góp ý kiến, với sách lớp 2 và lớp 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương mở rộng lấy ý kiến đến hầu hết các đối tượng, nhất là đội ngũ giáo viên. “Chúng tôi sẽ mời giáo viên tham gia hai vòng nhận xét, gồm nhận xét của đội ngũ giáo viên cốt cán và nhận xét của đông đảo các giáo viên qua bản internet”, ông Thành cho hay.
Cũng theo ông Thành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ điều chỉnh quy trình thực nghiệm. Theo đó, thay vì để các nhà xuất bản tự tổ chức thực nghiệm, tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tham gia vào quá trình này để đảm bảo việc thực nghiệm hiệu quả, khách quan.