Đáng lưu ý, có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng hơn là do các bậc phụ huynh chủ quan, tự điều trị ở nhà, chưa chú trọng công tác vệ sinh môi trường xung quanh để phòng chống dịch bệnh.
Từ đầu năm đến đầu tháng 12/2018, tại tỉnh Phú Yên ghi nhận có gần 1.200 ca trẻ mắc sốt xuất huyết, hơn 70 ổ bệnh đã được xử lý.
Kết quả xét nghiệm cho thấy có trên 60% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tuýp Dengue-2. Đây là tuýp có tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.
Việc xuất hiện bệnh nhân sốt xuất huyết tuýp Dengue-2 có độc lực cao kết hợp năm chu kỳ dịch bùng phát dịch khiến cho số lượng ca bệnh tăng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chủ quan, tự ý điều trị tại nhà.
Ngoài các trường hợp trên, từ đầu tháng 11 đến nay, Bệnh viện Sản-Nhi Phú Yên tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốc, huyết áp không đo được. Hiện tại, còn 7 trường hợp nặng phải điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Cá biệt có trẻ mới 3 tháng tuổi bị mắc bệnh sốt xuất huyết.
Trong khi đó, tại Khoa Nội Nhi tổng hợp trong những ngày qua rơi vào tình trạng quá tải do bệnh nhi sốt xuất huyết tăng cao. Có những phòng 2 bệnh nhi phải nằm chung 1 giường.
Theo các bác sỹ, người dân có tâm lý chủ quan trong công tác vệ sinh phòng bệnh cũng như điều trị. Nhiều bậc phụ huynh khi con sốt 3-4 ngày liên tục mới đi khám bác sỹ nên tình trạng bệnh đã nặng hơn.
Vì vậy, phụ huynh đưa con em mình vào bệnh viện thường là sau 3-4 ngày. Trẻ trong tình trạng mệt mỏi, nôn ói, uống nước không được, chảy máu mũi, chảy máu chân răng… Lúc này là rất nguy hiểm bởi vì dịch thoát ra ngoài và có biểu hiện sốt xuất huyết cảnh báo hoặc là sốc.
Ngành y tế tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân cần ngủ màn. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết khác với những loại muỗi khác ở chỗ là có thể đốt vào ban ngày, do đó người dân phải vệ sinh xung quanh nhà, phát quang bụi rậm...
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao bất thường cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, điều trị kịp thời.
Nhiều biện pháp vệ sinh phòng bệnh sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, thói quen sinh hoạt của chính người dân như không bỏ màn khi ngủ, không dọn dẹp vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ, để rác bừa bãi, để nhiều xô chậu, thùng chứa nước trong nhà... dẫn đến nhiều muỗi đẻ trứng thành bọ gậy, loăng quăng phát triển thành muỗi, gây bệnh cho chính chủ nhà và từ đó lại lây lan cho người khác.
Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, người dân có trình độ dân trí chưa cao, chưa chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh nên không thể ngăn cản sự lan rộng của các ca nhiễm, phòng chống dịch.
Phòng ngừa sốt xuất huyết là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, trong đó ngay mỗi người dân đều cần có ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh để bảo vệ mình cũng như gia đình. Điều này góp phần giữ cho gia đình mình không thành ổ dịch cũng như ngừa bệnh lan ra ngoài.
Giữ vệ sinh sạch sẽ, không để nước tù đọng: Không chứa nước lâu ngày trong bất kì vật dụng nào, nếu nhất định cần chứa nước thì phải có nắp đậy và không để quá lâu, thay rửa thường xuyên đối với các vật dụng chứa nước đó.
Thu gom các vật dụng phế thải xung quanh nhà, không vứt các mảnh vỡ, vỏ chai lọ xung quanh nhà: Bất cứ khu vực nào tích tụ rác thải đều có thể thu hút được muỗi và khiến chúng thấy rằng đó là môi trường tốt để sinh sôi. Nếu giữ không gian thoáng đãng, sạch sẽ, muỗi sẽ ít có cơ hội đẻ trứng hơn.
Phun hóa chất diệt muỗi, tắm rửa, vệ sinh hàng ngày để giữ cho cơ thể sạch sẽ, tránh tiếp xúc với vi trùng, virus gây bệnh vì khi chúng đã vào được cơ thể thì sẽ làm cho bạn bị yếu đi, hệ miễn dịch kém sẽ không thể chống lại được mầm bệnh, từ đó nguy cơ lây bệnh càng cao, thậm chí bệnh sẽ trở nặng nhanh hơn.
Hiện nay, việc phòng chống sốt xuất huyết còn gặp khó khăn do bệnh chưa có vắcxin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên sự tham gia tích cực và chủ động của cá nhân, của hộ gia đình trong công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vô cùng quan trọng.