Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào tháng 12/2015, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Đánh giá dưới góc độ khả thi của phương án hạn chế phương tiện cá nhân luật sư Nguyễn Văn Nguyên, giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Đây là chủ trương nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra có chiều hướng phức tạp ở Hà Nội.
Theo tôi để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội thì cần áp dụng tổng thể nhiều biện pháp như di dời các trường đại học, bệnh viên ở trung tâm ra ngoại thành, quy hoạch xây dựng đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống giao thông công cộng…
Đối với vấn đề chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Nếu cơ sở hạ tầng giao thông tốt, quy hoạch đô thị khoa học, hợp lý thì lượng phương tiện giao thông dù nhiều vẫn đáp ứng, không có hiện tượng ùn tắc”.
Đối với vấn đề chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. (Ảnh minh họa).
Theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên thì phương tiện giao thông cá nhân (chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy, ô tô) là phương tiện thiết yếu để phục vụ cho sinh hoạt và cuộc sống, mưu sinh của người dân. Quyền sở hữu tài sản hợp pháp là quyền của công dân được pháp luật ghi nhân và bảo vệ.
Cơ quan nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính, hành vi hoặc quyết định tăng phí, lệ phí để cản trở việc sở hữu tài sản của công dân, nhất là với các phương tiện giao thông nhằm hạn chế người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, vì như đã phân tích nó là phương tiện đi lại, công cụ mưu sinh của rất nhiều người dân.
Cũng có nhận định về vấn đề này luật sư Phạm Thanh Tùng – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng: “Mục đích của chính sách nhằm hạn chế ùn tắc giao thông là tốt, tuy nhiên việc hạn chế phương tiện cá nhân ở Việt Nam sẽ khó khả thi khi mà phương tiện công cộng cũng như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân hiện nay. Mặt khác việc cấm hay hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân của mình là không đúng. Các nước phát triền người dân tham gia phương tiện công cộng là chủ yếu bởi vì cơ sở hạ tầng giao thông tốt, phương tiện hiện đại và căn bản là từ ý thức họ muốn sử dụng phương tiện công cộng để đi lại”.
P.V