Theo nghiên cứu, việc trồng trọt và thuần hóa lúa gạo - nguồn lương thực chính của hàng tỷ người trên thế giới, có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nền văn minh Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu, do Giáo sư Lyu Houyuan, Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dẫn đầu, đã nghiên cứu có hệ thống về phytolith - cấu trúc oxide silic hình thành trong các loài thực vật siêu tích lũy silic, trong cây lúa dại và lúa thuần hóa, cũng như trong đất.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng sự gia tăng về số lượng vảy cá trên phytolith dạng bong bóng (bulliform) có tương quan với đặc tính của quá trình thuần hóa. Dựa trên những phát hiện này, họ đã phát triển một tiêu chuẩn để phân biệt lúa dại với lúa thuần hóa. Theo đó, lúa dại đã phổ biến ở vùng hạ lưu sông Dương Tử (sông Trường Giang) khoảng 100.000 năm trước, đặt nền móng cho việc sử dụng và thuần hóa lúa sau này.
Khoảng 24.000 năm trước, trùng với thời điểm bắt đầu Kỷ băng hà cuối cùng, tổ tiên loài người bắt đầu thu thập và sử dụng lúa dại. Sự thích nghi này cho phép họ tìm kiếm nguồn thực phẩm mới trong bối cảnh khí hậu lạnh giá. Con người bắt đầu trồng lúa khoảng 13.000 năm trước và mật độ gia tăng nhanh chóng khoảng 11.000 năm trước.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Zhang Jianping từ Viện Địa chất và Địa vật lý Trung Quốc cho biết nghiên cứu phát hiện sự khởi đầu của ngành nông nghiệp lúa gạo ở Đông Á và nông nghiệp lúa mì ở Tây Nam Á diễn ra đồng thời, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của loài người và giúp hiểu sâu hơn về nguồn gốc toàn cầu của nông nghiệp.
Quá trình phát triển của cây lúa trong 100.000 năm, mà đỉnh cao là quá trình thuần hóa cho thấy mối tương quan phức tạp giữa cây lúa, khí hậu, tập quán của con người và quá trình tiến hóa văn hóa.
Những phát hiện được công bố trên tạp chí Science đã làm sáng tỏ quá trình tiến hóa giữa con người và lúa gạo, sự phát triển của xã hội loài người và nguồn gốc của nền văn minh nông nghiệp.