Phát biểu tại sự kiện, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, Dự án Sản xuất phim tài liệu sinh thái do Viện Goethe Việt Nam khởi xướng, nhằm tạo ra không gian cho các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam kể câu chuyện thông qua các bộ phim tài liệu; qua đó đưa những hoạt động cộng đồng và phát triển bền vững đến gần hơn với công chúng, thúc đẩy giáo dục thông qua các bộ phim khoa học.
Sự hợp tác giữa các tổ chức với các nhà làm phim trong năm qua đã thu hẹp khoảng cách của việc “thiếu các hình thức truyền thông đa dạng và chuyên nghiệp” hay đáp ứng nhu cầu “tăng cường hiệu quả các hoạt động truyền thông” về bảo tồn đa dạng sinh học, phúc lợi động vật.
Bộ phim “Bình Yên, về nào!” tái hiện sinh động cuộc sống của những cá thể gấu và người chăm sóc gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Đó là những thước phim phản ánh chân thực sự đau đớn của những chú gấu từng là nạn nhân của việc nuôi nhốt lấy mật, hành trình phục hồi của gấu tại cơ sở bảo tồn và tâm tư của những người chăm sóc chúng. Nhà làm phim thông qua những hình ảnh mang tính gợi mở, nhiều cảm xúc, mong muốn khơi gợi cho người xem sự đồng cảm với động vật và thế giới tự nhiên.
Ở một không gian khác, bộ phim “Hành trình tới Xuân Liên” khiến khán giả quên đi cảm thức về thời gian. Bộ phim thể hiện giá trị thiên nhiên, dõi theo những nỗ lực hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kết nối con người với thiên nhiên ở Xuân Liên, huyện Thường Xuân, nơi có giá trị đa dạng sinh học cao và có ý nghĩa quan trọng với cuộc sống, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Chia sẻ cách thức làm phim, anh Nguyễn Lam Hà, nhà sản xuất phim của NOMADS cho biết, bộ phim “Bình Yên, về nào!” lựa chọn cách kể chuyện giản dị và sử dụng những hình ảnh mang tính gợi mở để đưa người xem tới Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Binh, đi theo bước chân của những con người vẫn hàng ngày với hành trình tìm bình yên cho những cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép ở Việt Nam. Họ là những con người bình thường, song tận tâm với công việc của mình: chăm sóc gấu. Những chú gấu đã sống gần như cả cuộc đời trong lồng sắt giờ đây lần đầu trong đời được đặt chân lên một thảm cỏ.
Trong khuôn khổ sự kiện, phần thảo luận xoay quanh chuyện làm phim tài liệu sinh thái đã diễn ra với sự tham gia của các bên liên quan vào bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ phúc lợi động vật. Các tư liệu liên quan đến chuyện hậu trường của các nhà làm phim trong suốt thời gian gắn bó với dự án đã được trưng bày.