Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 9 chương với 101 điều, giảm 1 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống trong khu vực có di sản
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban và cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát các quy định và chỉnh lý theo hướng quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); các điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực tài chính, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90); nguồn nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); chế độ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực (Điều 85).
Về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới, Điều 28 dự thảo Luật quy định: Việc triển khai xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích và sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có tại khu vực bảo vệ I và phải bảo đảm nguyên trạng về mặt bằng, không gian.
Điều 29 dự thảo Luật quy định: Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, triển khai xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại khu vực bảo vệ I; xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế - xã hội tại khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh và thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình trong khu vực di sản thế giới, vùng đệm di sản thế giới phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát các yếu tố tác động tới di sản thế giới theo quy định của Luật này và quy định của UNESCO.
Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình nhà ở riêng lẻ đã có trong khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ I di tích, di sản thế giới được thực hiện như sau: Trường hợp nhà ở riêng lẻ là yếu tố gốc cấu thành giá trị di tích hoặc là bộ phận cấu thành cảnh quan văn hóa của di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia được thể hiện trong hồ sơ khoa học xếp hạng, thể hiện trong quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt có yêu cầu sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích, thực hiện theo quy định về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này.
Việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có trong khu vực bảo vệ di tích không thuộc quy định tại điểm trên thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.
Tránh phát sinh thủ tục hành chính
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra sau Kỳ họp thứ 7 đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc của các cơ quan.
Tại Kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến tập trung vào 4 vấn đề gồm: tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật; về quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; về khu vực bảo vệ của di tích; việc phân cấp trong đầu tư xây dựng công trình khu vực bảo vệ di tích.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, sau khi được chỉnh lý, các vấn đề này đã được tiếp thu một cách rất nghiêm túc. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan, nhất là quy định về di sản tư liệu, thể hiện tại Khoản 5, Điều 3 và từ Điều 53 đến Điều 63.
Về quyền sở hữu và quyền liên quan đến di sản văn hóa, dự thảo Luật đã làm rõ và thống nhất với Bộ luật Dân sự; đồng thời quy định rõ hơn việc giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa tại Điều 4. Về khu vực bảo vệ di tích, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn trong bảo vệ, quản lý đối với những trường hợp có yếu tố gốc cấu thành di tích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống trong khu vực bảo vệ di tích (Điều 28, 29). Trong trường hợp sửa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ đã có sẵn trong khu bảo vệ di tích nhưng không thuộc yếu tố gốc cấu thành cảnh quan văn hóa di tích thì việc phân cấp cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là phù hợp.
Đối với chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung 10 chính sách lớn của Nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát chính sách của Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.
Chẳng hạn, dự thảo Luật quy định về thanh tra di sản văn hóa tại Điều 98. Theo đó, cơ quan thanh tra về di sản văn hóa được thành lập ở cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở Trung ương và địa phương. Trong khi đó, Nghị định số 01 ngày 16/1/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch quy định trong cơ cấu của Bộ có Thanh tra Bộ. “Hai thiết chế này có khác nhau hay không, cần phải giải thích thêm”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Bên cạnh đó, quy định tiêu chí xác định và trình tự, thủ tục công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được thực hiện theo quy định tại Điều 38 và Điều 49 của Luật Lưu trữ năm 2024. Trong khi đó, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang quy định nội dung này tại Điều 53. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan rà soát để tránh sự giao thoa, chồng chéo về đối tượng áp dụng tư liệu, tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ...
Về các chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, Điều 90 dự thảo Luật quy định các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa được hưởng các ưu đãi về thuế, ưu đãi vay vốn theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan lưu ý trong quá trình cụ thể hóa Luật rà soát, sửa đổi các luật chuyên ngành có liên quan để đảm bảo đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đối với việc cải tạo, sửa chữa công trình trong phạm vi bảo vệ di tích được quy định tại các Điều 28, 29 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư những công trình này cần được rà soát để có quy định phù hợp hơn, tránh phát sinh thủ tục hành chính, vừa không phù hợp với pháp luật về đầu tư, đầu tư công, vừa có thể kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị, những điều, khoản nào trong dự thảo Luật có nguy cơ làm phát sinh thủ tục hành chính phải được rà soát kỹ, nhất là trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.