Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày cho thấy, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được chỉnh lý gồm 9 chương, 61 điều, giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng; quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.Về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh bảo đảm bao quát, tương thích với các nội dung của dự thảo Luật; rà soát nội dung dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành; đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh các nội dung liên quan tại dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh với các nội dung quy định của dự thảo Luật.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng thông qua các nội dung quy định về chính sách của Nhà nước (Điều 4); quy định trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 8) và quy định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp (Điều 56), cũng như đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các điều luật cụ thể có liên quan tại dự thảo Luật.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động tới đời sống kinh tế-xã hội, tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp... Do đó, cần phải được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát một cách chặt chẽ, khẩn trương để khắc phục cho được những bất cập, hạn chế, nhất là trong bối cảnh vừa qua các vụ cháy lớn xảy ra đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Sau khi được chỉnh lý, đến nay dự thảo Luật quy định một điều riêng về phòng cháy đối với nhà ở; một điều riêng về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đáng chú ý, việc bổ sung quy định đối với hai loại hình nhà ở này nhằm bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.
Tuy nhiên, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra các quy định vẫn còn chung chung, khó khả thi đối với cơ quan thực thi pháp luật và người dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phân tích: “Chúng ta quy định là có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo động rò rỉ khí cháy, khí độc theo quy định. Vấn đề là ai quy định thế này thì không rõ. Thứ hai, các nhà mặt phố đều có sự kết hợp đối với kinh doanh, đây là loại hình hiện nay rất phổ biến, đặc biệt ở các đô thị. Nếu không quy định cụ thể thì cũng nên giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Công an quy định.”
Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng bày tỏ sự quan tâm đến tính phức tạp trong phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, nên có quy định chi tiết về phương thức và phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà cao tầng, bởi đây là khu vực tập trung rất đông người, địa hình cao nên các phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn phải triển khai sẽ phức tạp, khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao dự thảo Luật đã bao quát các quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, cho sản xuất để bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành; quy định về công tác thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là tự kiểm tra của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức...
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).