Rác không phải thứ bỏ đi

0:00 / 0:00
0:00
[Ngày Nay] - Theo ước tính, lượng rác thải toàn cầu đến năm 2050 tăng lên 70% so với năm 2016. Rác thải sẽ đổ về đâu khi các bãi rác đều quá tải? Điều này cho thấy rõ sự cấp bách cần phải có kế hoạch quản lý rác thải hiệu quả tại những đô thị lớn, vừa để ngăn chặn cuộc xâm chiếm của rác, vừa biến rác thành nguồn sinh lợi cho con người.

Khủng hoảng rác thải

Được mệnh danh là thành phố giàu nhất thế giới, nhưng New York cũng bị liệt vào danh sách thành phố kém vệ sinh nhất nước Mỹ. Đến New York vào mùa hè, du khách dễ dàng cảm nhận được mùi hôi thối bốc lên từ các đống rác trên vỉa hè đang chờ được thu gom và chở đến một bãi rác ngoài tiểu bang. Trong năm 2017, khoảng 904.000 hộ gia đình tại New York sống gần các bãi rác thải lớn và gần 2,3 triệu hộ gia đình phải chung sống với chuột hoặc gián. Hai thị trưởng gần đây nhất của New York đều tham gia tranh cử Tổng thống với cam kết chống biến đổi khí hậu, nhưng thực tế cả ông Bill de Blasio- Thị trưởng đương nhiệm và tỷ phú Mike Bloomberg- người tiền nhiệm, đều không thể ngăn chặn làn sóng rác thải tràn ngập thành phố và không đạt được mục tiêu tái chế rác thải tham vọng mà các thành phố lớn khác của Mỹ đã thực hiện được.

Trong số các siêu đô thị toàn cầu, thủ đô Mexico City của Mexico chỉ đứng sau New York về số lượng rác thải mỗi năm: 12 triệu tấn. Vào năm 2011, Mexico City đã phải đóng cửa bãi rác lớn nhất khiến rác thải không có chỗ tập kết, chất đống tại các bãi rác tự phát; bộc lộ nhược điểm thành phố đã không có chính sách toàn diện trong việc thu gom và xử lý rác thải đô thị.

Rác không phải thứ bỏ đi ảnh 1

Rác thải xâm chiếm thành phố.

Hai thành phố điển hình trên đều nằm trong những siêu đô thị toàn cầu, với nhiều nguồn lực về tài chính để thực hiện cơ chế quản lý rác thải hiệu quả. Điều này cho thấy những thách thức của các quốc gia có thu nhập thấp, nơi tỷ lệ thu gom rác thường dưới 50%. Các đống rác dọc bờ sông, khói dày đặc từ việc đốt rác,chất thải độc hại, ruồi muỗi và các loài gặm nhấm tràn lan là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc tăng dân số tự nhiên, dân số di cư về các đô thị, đô thị hóa và phát triển kinh tế cũng khiến lượng chất thải đang ngày càng trở nên quá tải đối với hệ thống quản lý còn yếu kém ở những thành phố này.

Ngân hàng Thế giới cho biết, rác thải toàn cầu có thể tăng 70% vào năm 2050 khi đô thị hóa và dân số gia tăng, trong đó Nam Á và châu Phi cận Sahara sẽ chứng kiến lượng rác thải tăng cao nhất. Lượng rác thải gia tăng sẽ vượt xa tốc độ tăng dân số, đạt 3,4 tỷ tấn vào năm 2050 so với khoảng 2 tỷ tấn trong năm 2016. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại chất thải ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh đường hô hấp, tim mạch và đặc biệt là ung thư. Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới ước tính, hơn 2 triệu người tử vong mỗi năm do hít phải không khí bị ô nhiễm trong nhà và ngoài trời, đồng thời có khoảng 40 triệu trẻ em mắc các bệnh liên quan đến rác thải. Rác thải không được thu gom có thể dẫn đến cống bị tắc nghẽn, ngập lụt và lây lan các bệnh dịch qua đường nước. Chất hữu cơ đổ vào các bãi chôn lấp - nơi thiếu không khí để phân hủy nhanh chóng - tạo ra khí mê-tan, làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu.

Với những nguy hại của rác thải mà các đô thị lớn phải đối mặt, nhiều thành phố đã sớm bắt tay vào việc thực hiện một cơ chế quản lý rác thải hiệu quả, tái chế, tái sử dụng và tạo vòng tuần hoàn cho rác, trong đó có hai giải pháp được nhiều thành phố áp dụng thành công.

Biến rác thải thành điện

Có lẽ tiến bộ lớn nhất đối với ngành quản lý chất thải là khả năng biến những thứ bỏ đi thành năng lượng có ích, được nhiều nước coi đây là tài nguyên, nguồn năng lượng thay thế. Copenhagen, Đan Mạch, gần đây đã khai trương nhà máy đốt rác thành điện, được gọi là Copenhill hoặc Amager Bakke. Nhà máy đốt chất thải thay vì nhiên liệu hóa thạch, có khả năng chuyển 450.000 tấn rác thành năng lượng hàng năm, cung cấp điện cho 30.000 hộ gia đình và sưởi ấm cho 72.000 hộ. Do quá trình đốt rác vẫn tạo ra khí thải CO2 nên thành phố có kế hoạch lắp đặt một hệ thống thu giữ lượng carbon thải ra từ quá trình đốt rác, sau đó lưu trữ carbon hoặc sử dụng cho mục đích thương mại. Đây là một bài toán giải quyết nhiều vấn đề mà thành phố đối mặt đó là quản lý rác thải, tạo ra điện năng giúp thành phố không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thị trưởng Copenhagen Frank Jensen cho biết, thay vì chôn chất thải, thành phố sử dụng chất thải để sản xuất năng lượng sưởi ấm và điện theo cách hiệu quả nhất. Việc đốt chất thải hiệu quả cung cấp năng lượng cho hệ thống sưởi của 99% các tòa nhà ở Copenhagen. Do đó sẽ giúp thành phố loại bỏ ô nhiễm từ than, dầu và dầu mỏ, giúp thủ đô đạt được mục tiêu trở thành thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025.

Rác không phải thứ bỏ đi ảnh 2

Biến rác thải thành năng lượng tại Copenhaghen.

Một thành phố khác được coi là hình mẫu của việc biến chất thải thành năng lượng là Osaka của Nhật Bản. Vào những năm 1970, thành phố bị ô nhiễm không khí và nước nghiêm trọng do các ngành công nghiệp nặng thải quá nhiều rác xung quanh Vịnh Osaka và ô nhiễm nhiều hơn do dân số bùng nổ. Các quan chức ở Osaka đã ngay lập tức đưa ra biện pháp với những quy định chặt chẽ hơn về khí thải công nghiệp, quy hoạch tạo ra không gian đô thị xanh. Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng nhất đó xuất hiện lò đốt chất thải khổng lồ, thoạt nhìn như công viên Disney Land, với những đường lượn sóng và tòa tháp có mái vòm bằng vàng. Được thiết kế bởi kiến trúc sư và nhà hoạt động sinh thái người Áo Friedensreich Hundertwasser, nhà máy đốt rác thành điện là biểu tượng cho Osaka chuyển mình từ một điểm nóng ô nhiễm thành một người đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc tái chế đã giúp giảm hơn một nửa khối lượng rác thải được đưa đi xử lý. Thay vì đổ ở bãi rác, rác thải được đốt trong các nhà máy công nghệ cao để sản xuất điện cho khoảng 125.000 hộ gia đình.

Giải pháp đốt rác thành điện cũng được áp dụng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới từ châu Âu, châu Á đến châu Phi. Tuy nhiên, Giám đốc của Dự án mạng lưới thành phố toàn cầu cam kết đối phó với biến đổi khí hậu Cepeda-Márquez cho rằng, công nghệ này cũng có giới hạn. Một thành phố cần có cơ sở hạ tầng vững chắc và hệ thống thu gom chất thải tốt trước khi có thể thu được lợi ích từ những nhà máy này.

Ứng dụng công nghệ thông minh

Ngân hàng Thế giới ước tính chi phí quản lý chất thải rắn hàng năm sẽ ở mức 375 tỷ USD vào năm 2025, nhằm loại bỏ 2,2 tỷ tấn rác. Trong khi đó, khó có thể tính toàn chi phí môi trường để loại bỏ chất thải này, mặc dù những tác động có thể nhìn thấy rất rõ khi những xe tải chở rác rong ruổi trên các con phố để thu gom chất thải, tạo ra lượng lớn khí thải carbon và khí thải độc hại. Vì vậy, cải thiện quản lý chất thải là một vấn đề cấp thiết. Nhiều thành phố trên thế giới đang chuyển sang sử dụng các giải pháp thông minh để hỗ trợ cho việc quản lý rác thải. Từ cấp độ đường phố, nhiều thành phố sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa để phân loại rác tái chế. Ví dụ, các thùng rác thông minh, hoặc máy nén rác chạy bằng năng lượng mặt trời được gọi là Bigbelly, đã được sử dụng trên toàn cầu, từ Brooklyn, New York đến Leeds ở Anh và Queensland ở Australia hay Seoul, Hàn Quốc. Mỗi chiếc đều được trang bị một bộ nén rác, cho phép nó chứa được nhiều rác hơn. Các thùng này sử dụng các cảm biến thông minh để biết khi nào bắt đầu nén rác và thông báo cho người thu gom khi chúng đã đầy - giúp cho việc thu gom rác hiệu quả hơn nhiều.

Rác không phải thứ bỏ đi ảnh 3

Phân loại rác thải để tái chế.

Thông thường các thành phố sử dụng những loại xe tải khác nhau để thu gom các loại rác thải khác nhau. Ví dụ như một xe tải thu gom nhựa để tái chế, một xe tải khác thu gom rác thải thực phẩm. Điều đó đòi hỏi nhiều xe tải, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí và gia tăng lưu lượng giao thông trên đường phố. Trong khi đó, nhiều thành phố ở châu Âu, đường phố rất chật hẹp và không có nhiều không gian rộng cho xe thu gom rác thải đi lại. Vì vậy, thủ đô Oslo của Na Uy đã thiết kế một mô hình thông minh để tránh điều này. Kể từ năm 2012, người dân thành phố được yêu cầu sử dụng các loại túi có màu sắc khác nhau cho các loại chất thải khác nhau. Các túi màu xanh lá cây đựng rác thải thực phẩm và túi màu xanh lam đựng rác thải nhựa. Thay vì thu gom chúng riêng lẻ, các xe tải sẽ tập trung tất cả cùng một lúc và đưa chúng đến một nhà máy phân loại quang học. Những chiếc túi này sẽ được phân loại bằng công nghệ đọc quang học tinh vi, giúp phát hiện màu sắc của túi với độ chính xác xấp xỉ 98%.

Với việc tăng cường phân loại rác thải và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, kế hoạch này của Na Uy đã có tác dụng tích cực, làm giảm số lượng rác thải bỏ đi của mỗi hộ gia đình và tăng số lượng rác được tái sử dụng và tái chế. Năm 2018, 37% rác thải sinh hoạt được tái chế, tăng so với 10% của năm 2004.

Trào lưu “thành phố không rác thải”

Giảm lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày, hạn chế những đồ dùng 1 lần, hay tái chế và tạo tuần hoàn cho rác, tiến tới mục tiêu thành phố không rác thải đang trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới.

Rác không phải thứ bỏ đi ảnh 4

Nổi tiếng là một trong quốc gia sạch nhất thế giới, Singapore cũng là một trong những nước đầu tiên áp dụng hệ thống xử lý rác thành năng lượng, giúp giảm tới 90% lượng rác thải. Chính phủ Singapore đã triển khai chương trình xử lý rác thông minh này từ năm 2001. Cho tới năm 2005, có tới 56% các hộ gia đình Singapore tham gia chương trình này. Theo đó quy trình chọn lọc và tái chế rác thải được giới thiệu và ra mắt rộng rãi ở các trường học, văn phòng, trung tâm mua sắm…

Tại Thụy Điển, hàng năm, hơn 30 lò đốt hoạt động hết công suất, tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác và chất thải. Hệ thống tái chế xử lý rác hiệu quả ấy đã giúp Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới tái chế được đến 99% lượng rác thải của mình.

Tại Thụy Điển, hàng năm, hơn 30 lò đốt hoạt động hết công suất, tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác và chất thải. Hệ thống tái chế xử lý rác hiệu quả ấy đã giúp Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới tái chế được đến 99% lượng rác thải của mình. Chỉ có 1% rác từ các hộ gia đình bị thải ra môi trường. Công nghệ xử lý rác thải phát triển đến mức nước này đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

Không chỉ là những nơi phát triển nhất thế giới, thành phố nhỏ San Fernando ở Philippines cũng đang trở thành kiểu mẫu cho những thành phố không rác thải trên thế giới. 

Với sự quyết liệt của chính quyền thành phố, từ việc treo thưởng cho những cá nhân làm tốt, đến phạt những người vi phạm hay cấm hoàn toàn việc sử dụng túi nilon đã giúp giảm tỷ lệ rác đến gần 60%.  Chính quyền thành phố cho biết, bản thân người dân nhận thấy lợi ích từ việc ủ rác hữu cơ và bán hoặc tái chế rác thải rắn như chai nhựa, giúp họ tham gia tích cực vào các kế hoạch của thành phố. Đối với chính quyền thành phố, bí mật cho thành công này là sự hợp tác của người dân, vì “bạn sẽ không thể làm được gì nếu người dân không hiểu và không hưởng ứng”.

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.