Nửa tháng trước, thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách, các con đường xóa dần hình ảnh vắng lặng. Những điều biểu hiện ấy, trong phút giây hứng khởi sau chuỗi ngày dài bức bách, cứ đinh ninh rằng nhựa sống đang trỗi dậy. Nhưng qua mấy ngày rong ruổi, mới hay, vẫn còn xa xăm…
Đìu hiu chợ Bến Thành
Áng chừng 8g, cửa chính chợ Bến Thành (phường Bến Nghé, quận 1), những sạp hàng vắng lặng, chưa có dấu hiệu gì của sự thức dậy. Phía sau cánh cổng khép hờ, là vài ba bảo vệ đang mải miết với công việc của mình. Tôi phóng tầm mắt vô sâu hơn bên trong chợ, lại bắt gặp những trống vắng.
Vòng qua cửa Bắc, cũng chỉ lác đác người bán mua. Những hoạt cảnh ở ngôi chợ sầm uất nhất Sài Gòn, bây giờ, chỉ nhỉnh hơn sự dừng lại một chút mà thôi. Qua những tấm màn ngăn, mọi thứ dường như còn kìm hãm rất nhiều.
Bên trong chợ Bến Thành còn thưa vắng người mua bán. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Đang ngồi… ngó ra, bà Liên, chủ một sạp hàng thủy - hải sản khô và các loại mắm, đưa tay ra hiệu kiểu “thôi, đừng chụp ảnh làm gì”. Đã hai tiếng đồng hồ từ lúc mở quầy, bà chưa bán được một món hàng nào. “Hôm qua bán được mấy bịch cá lao, hôm kia thì được ít tôm khô, còn sáng giờ thì chưa gì cả”, bà Liên nói, với âm giọng không biểu lộ bất kỳ cảm xúc gì.
Cách đây một tuần, sau khi tiêm mũi vaccine thứ 2, vợ chồng con gái bà Liên kéo nhau về miền Trung. “Người ta về ráo”, bà Liên buông thõng. “Vậy sao cô không về?”, tôi hỏi. Bà Liên đáp lời: “Có cái nhà nhỏ nhỏ trong này, con cháu về, tôi ở lại cho vui nhà vui cửa. Với lại, từng này tuổi rồi, sợ chết gì nữa”. Rồi cười sảng khoái.
Mà cái cười không kéo được lâu, bởi những âu lo vẫn còn bày biện trước mắt. “Được bán lại rồi, vui đấy, nhưng có mấy người mua đâu. Chỉ được cái là ra đây ngồi, đỡ bí bách hơn ở nhà”, bà Liên với theo, khi tôi đi về phía các gian hàng lưu niệm trong chợ Bến Thành, tất cả đều trùm bạt kín bưng. Có lẽ, phải còn lâu hơn nữa, những gian hàng này mới có lại sự sống, ít nhất là cho đến khi thành phố mở cửa đón khách du lịch.
Rất nhiều gian hàng bên trong chợ Bến Thành vẫn im ắng... Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Tôi trở ngược về phía cửa Bắc sau vài tiếng đồng hồ, nhịp chợ cũng không có gì là cải thiện hơn, hàng dài các sạp bán rau, củ quả, trong khi các chủ sạp thì ngồi xa xăm phía bên trong các tấm bạt, bên ngoài, rất ít khách. Ở đây, rất nhiều chủ sạp ngại nói về những ngày nặng trĩu vừa mới. Đúng ra thì, họ lười nói về nó nữa, cũng giống như có đoạn thị dân gần như không còn quan tâm các quyết định về mở hay tiếp tục đóng cửa thành phố.
“Mấy chuyện đó, mình có quyết được đâu. Nói, cũng chỉ thêm… mỏi miệng mình thôi, còn tiền thuê mặt bằng, tiền nhà, tiền này nọ, nó vẫn treo lơ lửng trên vai mình hằng tháng. Mà những tháng qua, ghì chặt nhiều khi đến ngộp thở”, ông Thành, vừa đẩy xe đồ lagim cho vợ, vừa nói với tôi như vậy.
Qua tấm bạt ngăn, mọi thứ vẫn chưa thể trở thành bình thường mới. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Mấy ngày không có nỗi một cuốc xe
Có thể những bức tường sẽ phần nào giấu đi sự đìu hiu phía bên trong chợ Bến Thành, nhưng bên ngoài, xung quanh chợ, tất cả sự đìu hiu ấy, biểu hiện rất rõ. Những hàng quán, cửa hiệu “ăn theo” chợ cũng buồn chưa mở lại cửa.
“Hôm đầu tháng có mở bán lại thử xem sao, được hai ba ngày mà không bán gì được, nên thôi, đóng cửa tiếp”, bà Thìn, chủ cửa hàng bún bày tỏ. Thì ra, giữa bà và chủ nhà có thỏa thuận với nhau, rằng khi nào bà bán lại thì mới thu tiền cho thuê mặt bằng. “Họ làm vậy, tốt với mình lắm rồi”, bà Thìn nói thêm.
Khách ruột là các chủ sạp nhưng đã về quê hết, khiến cho ông Tuấn bị ế các cuốc xe. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Chi phí tiền thuê mặt bằng mỗi tháng gần 14 triệu đồng. “Ở đợt dịch thứ 3, được chủ nhà giảm cho 70%, đến đợt dịch thứ 4, chủ nhà miễn luôn, nói khi nào bán lại thì mới thu tiền thuê. Đỡ ơi là đỡ”.
Nơi góc đường, tôi bắt gặp ánh mắt có vẻ mệt mỏi của ông Tuấn, một người có 36 năm gắn chặt cuộc đời mình với chợ Bến Thành. Thuở đầu từ ngoài Bắc vào Sài Gòn, sống bằng nghề đạp xích lô, sau đó “nâng cấp” lên chạy xe ôm, đều quẩn quanh chợ Bến Thành, dù nhà ở tít quận Gò Vấp.
“Cái hôm 1/10, là cái hôm thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách ấy, tôi chạy xe lại. Nhưng từ hôm đó đến nay, sau gần nửa tháng, chưa có ngày nào được quá 70 nghìn cả. Mà cũng chỉ có hai, ba ngày được vài ba chục thôi, còn lại đều lỗ tiền xăng cả. Mấy ngày rồi, không có nỗi một cuốc xe”, ông Tuấn mở đầu câu chuyện.
Những khuôn mặt chưa thôi lắng lo... Ảnh: Lê Xuân Thọ |
“Vậy bình thường, ý là bình thường kiểu không có dịch, mỗi ngày chú chạy được bao nhiêu?”, tôi hỏi. “Cứng 300 nghìn”, ông Tuấn trả lời ngay. Cái sự “cứng” mà ông Tuấn nhấn mạnh, đến từ những bạn hàng của ông.
Thì ra, khách của ông gần 100% là các chủ sạp bán trong chợ Bến Thành. Để cơ động, họ hay nhờ ông chở đi chỗ này chỗ nọ. Nhưng nguồn thu chủ yếu, là ông ship hàng đi các mối quen cho chủ sạp.
“Giờ dịch họ về hết, mối quen không còn, không tìm ra đâu cuốc xe”, ông Tuấn như phân trần, như… giải thích. Rồi khi tôi chưa kịp tiếp tục câu chuyện, thì ông nói thêm: “Tôi có gọi điện, nhắn tin hỏi, thì phần lớn chủ sạp nói chưa biết khi nào trở lại. Trong số ấy, không ít chủ sạp đã trả mặt bằng rồi…”.
Tôi ngây thơ an ủi ông: “Hy vọng sắp tới thành phố mở cửa cho du khách, chợ nhiều khách du lịch, chắc chú cũng đỡ…”. Ông Tuấn ngắt lời: “Đỡ gì đâu con, khách du lịch toàn đi xe công nghệ, chú chơi kiểu truyền thống, “khó ăn” lắm. Chỉ mong mọi sự ổn, chủ sạp sớm qua lại thì chú mới may ra…
Đợi ngày “thật sự mở cửa”
Hầu hết những người mà tôi gặp, đều mong sớm ngày thành phố được thật sự mở cửa, chứ không phải… he hé như hiện tại. Nghĩa là, họ cần chính quyền thành phố cho mở bán tại chỗ, chứ không chỉ đơn thuần là “giải pháp” bán mang đi như đang diễn ra. Bởi thành phố gần như đã phủ được vaccine cho người dân.
Chị Diễm, chủ một quán ăn trên đường Hoàng Sa cho biết vừa phải nhờ mẹ ở quê “xoay” giúp thêm cho vài chục triệu đồng để duy trì mặt bằng. “Cách đây ba ngày, tôi đã tuyển lại hai nhân viên và cho các em ấy dọn vệ sinh lại quán, đợi lệnh được mở là sẽ bán buôn ngay vì sắp gồng hết nỗi rồi.
Dáng nhà buồn hiu ven đường Hoàng Sa. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Cùng mang tâm tư ấy, anh Nam, chủ quán nhậu trên đường Hoàng Sa nói rằng mấy bạn quán của anh cả tuần này đều gọi hỏi khi nào được mở bán tại chỗ để vô lại vô. “Họ về khi đợt dịch vừa rồi bùng phát. Những ai có tích cóp thì thương thảo lại với chủ để bớt tiền thuê mặt bằng. Còn đa số đều trả cả. Hôm qua, có hai người bạn ở Ninh Thuận nhờ “rà” tìm mặt bằng giúp, nhưng luôn dặn chừng là phải “me” được thông tin thành phố cho mở bán tại chỗ mới dám “sét kèo” thuê mặt bằng”, anh Nam kể.
Anh Nam cũng đặt băn khoăn: “Tại sao thành phố đã tiêm vaccine cho gần hết người dân trong độ tuổi rồi, mà sao vẫn chưa thật sự mở cửa?”.
Tôi nghĩ câu trả lời thuộc về chính quyền thành phố. Còn nếu vẫn như thế này, thì Sài Gòn vẫn chưa tỉnh cơn đau…