Như đã thông tin, dự kiến năm 2017, Sở GTVT TP.HCM sẽ chuyển bốn cặp đường hai chiều hiện hữu thành một chiều nhằm giải quyết nạn kẹt xe.
Theo đó, các cặp đường ở trung tâm gồm Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch, Lê Quý Đôn - Trần Quốc Thảo sẽ thành đường một chiều. Ở quận Gò Vấp, đường Lê Quang Định sẽ thành một chiều từ Phạm Văn Đồng đến Phan Văn Trị và đường Phan Văn Trị sẽ thành một chiều từ theo hướng ngược lại Lê Quang Định đến Phạm Văn Đồng.
Tác động khó tránh khỏi
Đặc biệt ở khu cửa ngõ Tây - Bắc cụm đường Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ cũng dự kiến thành vòng xoay lớn theo hướng: Trường Chinh → Hoàng Văn Thụ → Cộng Hòa.
Theo Sở GTVT, trong khu vực khép kín của ba tuyến này có các đường nhánh lớn như Nguyễn Thái Bình, Hoàng Hoa Thám, Bình Giã lưu thông hai chiều và hiện cũng thường kẹt xe.
Thực tế, “một chiều hóa” là biện pháp đã được ngành TP.HCM áp dụng từ nhiều năm qua và đã mang lại hiệu quả nhất định. Như khoảng năm 2000 cho chạy một chiều vòng quanh nhà thi đấu quận Tân Bình đã giải quyết được điểm kẹt xe ngã tư Bảy Hiền.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ (TS) Phạm Sanh, đây chỉ là cách giải quyết tạm thời, cục bộ và có thể gây ra một số hệ quả. Cụ thể, hoạt động của xe buýt sẽ bất lợi hơn. Tai nạn giao thông ở các đường này có thể tăng do tốc độ lưu thông của đường một chiều cao hơn và việc đi trên đường một chiều còn dễ tạo sự chủ quan.
Ngoài ra, việc tổ chức một chiều còn gây ra bất lợi khác như quãng đường đi lại sẽ dài hơn do phải chạy đường vòng. Đặc biệt, ở các đường hai bên dày đặc dân cư, có hoạt động buôn bán lớn thì việc tổ chức một chiều sẽ làm hạn chế một bên, làm giảm sức mua và tác động tới kinh tế đô thị.
Sơ đồ dự kiến tổ chức một chiều cụm Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ. |
Thử nghiệm kỹ mới quyết
“Một số đô thị kẹt xe và coi tổ chức một chiều là một giải pháp chống kẹt xe. TP.HCM đang thực hiện theo cách này. Tuy nhiên, việc tổ chức giao thông thành một chiều phải theo một số nguyên tắc nhất định”, TS Phạm Sanh nói.
Theo đó, phải có các cặp đường lên, đường xuống cách nhau với cự ly nhất định (200-400 m). Thứ hai, giữa các cặp đường này phải có đường giao ngang hai chiều (cách nhau 200-500 m) kết nối với nhau để người dân khu vực qua lại chứ một chiều gây ra nhiều bất tiện.
Ông cho rằng để làm một chiều còn có một số điều kiện nữa, như mạng lưới giao thông chưa bão hòa. Nếu đường sá đã quá tải thì tổ chức một chiều là cách đẩy xe từ nơi này sang nơi khác, tạo ra sự xáo trộn lớn nhưng không mang hiệu quả cao. Cạnh đó, kinh nghiệm các nước cho thấy các đường trên sáu làn xe (đường Cộng Hòa đến tám làn xe) thì không tổ chức thành một chiều.
Ngoài ra, TS Phạm Sanh cho rằng ở một số nơi tổ chức một chiều không mang lại hiệu quả, lại gây ra rối loạn. Vì vậy, giải pháp này cần nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. Cụ thể, Sở GTVT cần đo đếm lượng xe, mô phỏng lại khu vực và cho chạy mô hình.
“Biến hai chiều thành một chiều là một trong nhiều giải pháp giảm thiểu kẹt xe nên tôi đề nghị có sự so sánh với các giải pháp khác. Mặt khác, trước mắt tôi cho rằng cần tổ chức giao thông, kiểm soát giao thông cho tốt và rốt ráo xử lý vấn nạn lấn chiếm lòng, lề đường thì kẹt xe sẽ giảm đáng kể” - TS Phạm Sanh đề nghị.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT, cũng nhìn nhận ba tuyến Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa khép kín chạy một chiều thông suốt nhưng khi tốc độ lưu thông ở ba tuyến này tăng lên thì lượng và thời gian xe dồn vào các tuyến nhánh như Nguyễn Thái Bình, Hoàng Hoa Thám, Bình Giã… sẽ tăng theo, gây thêm kẹt.
“Vì vậy, chúng tôi sẽ phải đếm lượng xe, chạy trên mô hình xem như thế nào rồi mới quyết định. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải nghiên cứu kỹ khả năng kẹt xe lan tỏa rộng ra các tuyến khác hoặc luồn sâu vào các đường nhánh trong khu vực” - ông Đường nói.
Cặp đường Lê Quang Định - Phan Văn Trị đi qua khu vực kinh doanh, buôn bán, họp chợ đông đúc trong khi mặt đường nhỏ hẹp, lưu lượng xe nhộn nhịp suốt ngày.
Do đó, khi cho chạy xe một chiều thì chắc chắn số nhà mặt tiền ở bên tay trái sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ sự ảnh hưởng này.
Ông Võ Khánh Hưng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3, Sở GTVT
Theo Pháp Luật TP.HCM