Bắc Kinh đã dấn thân vào một cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ trong năm 2018. Theo một số chuyên gia, nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép hơn nữa để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ, trong một cuộc chiến mà có thể sẽ còn kéo dài nhiều năm trời.
Theo báo Washington Post, Tổng thống Mỹ đã đóng vai trò chủ nhà khi trò chuyện với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng ngày 1/10. Ông mô tả thỏa thuận đạt được với Canada và Mexico là một chiến thắng cho chiến lược cứng rắn của ông nhằm định hình lại thương mại toàn cầu, với mong muốn mang lại lợi ích cho nước Mỹ.
Báo Washington Post dẫn lời ông Trump bình luận rằng, Trung Quốc đã "xé nát chúng tôi quá nhiều năm rồi" bằng cách "ăn cắp sở hữu trí tuệ" và thông qua thâm hụt thương mại 375 tỷ USD, trong đó Trung Quốc bán máy tính xách tay, quần áo cùng nhiều loại hàng hóa khác cho Mỹ nhiều hơn so với nhập khẩu theo hướng ngược lại.
Nhưng giờ đây Bắc Kinh đang "có một thời kỳ khó khăn hơn nhiều" khi Washington áp đặt 3 vòng thuế quan lên 250 tỷ USD hàng xuất khẩu của họ, ông Trump nói thêm. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí đe dọa sẽ tăng con số này lên thêm 267 tỷ USD nữa. "Trung Quốc đang rất muốn đối thoại. Tôi nói thẳng còn quá sớm để thương lượng bởi họ vẫn chưa sẵn sàng...", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Trump đã ký Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) hôm 30/9 sau khi dọa sẽ thoát khỏi tiền thân của nó là NAFTA, viện dẫn ông muốn thu hẹp các mức thâm hụt thương mại của Mỹ, giành lại các công việc nhà máy đã bị thất thoát và bảo vệ tốt hơn các tài sản trí tuệ.
Theo Edward Alden, tác giả cuốn sách "Failure to Adjust: How Americans Got Left Behind in the Global Economy", ông Trump có thể sẽ ca ngợi USMCA như một chiến thắng tại các cuộc mít-tinh bầu cử và tận dụng nó như một "đòn bẩy đàm phán… nhằm tăng gấp đôi sức ép lên Trung Quốc".
"Nó sẽ càng khiến Tổng thống tin cách tiếp cận của ông là đúng. Và nếu ông đàm phán đủ cứng rắn, đe dọa và áp thuế, thì ông có thể đạt được một thỏa thuận vừa ý. Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến điều đó diễn ra với Trung Quốc", ông Alden bình luận trên trang Al Jazeera.
USMCA cũng hạn chế các bên tham gia ký kết bị giới hạn tiến vào một thỏa thuận thương mại tự do với một "nền kinh tế phi thị trường". Cụm từ này có thể ngụ ý nhiều quốc gia nhưng được hiểu là chủ yếu nhắm đến Trung Quốc.
Theo Chương 32, Mỹ có thể rút khỏi USMCA nếu Canada hoặc Mexico đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc mà Washington không muốn - khiến cho cả hai nước này gần như không thể dám chấp nhận rủi ro.
Shannon O'Neil thuộc tại tổ chức cố vấn Hội đồng Các quan hệ đối ngoại nhận định: "Điều đó có nghĩa là bao vây Trung Quốc để Canada hoặc Mexico không thể tiến vào các cuộc đàm phán thương mại" với Bắc Kinh.
Cùng với thỏa thuận Bắc Mỹ, mới đây Mỹ đã ký một hiệp ước thương mại sửa đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đồng thời chuẩn bị thương lượng về một thỏa thuận hai chiều riêng rẽ với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đàm phán thương mại cũng đang tiếp tục giữa Mỹ với các đồng minh của Washington trong Liên minh châu Âu (EU).
Không có kế hoạch đàm phán nào giữa Trung Quốc và Mỹ, mặc dù cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Trump là Larry Kudlow nói ông Trump có thể gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại một hội nghị ở Argentina trong tháng 11.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã cố gắng giành lấy EU và Nhật Bản nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi các thực tiễn thương mại, sở hữu trí tuệ và trợ cấp của nước này. Sau khi đạt được USMCA, Canada và Mexico nhiều khả năng cũng sẽ tham gia nỗ lực đó.