Trả lời câu hỏi về vấn đề trên tại một hội nghị về năng lượng ở thủ đô Riyadh, ông Abdulaziz bin Salman nêu rõ: "Tất cả những cái gọi là biện pháp trừng phạt, cấm vận, cắt giảm đầu tư, sẽ hợp lại thành một hậu quả duy nhất, đó là thiếu nguồn cung tất cả các loại năng lượng vào thời điểm rất cần năng lượng".
Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman cũng cho biết Saudi Arabia đang thúc đẩy để gửi tới Ukraine khí hóa lỏng (LPG) thường được sử dụng để đun nấu và sưởi ấm.
Là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Saudi Arabia là một trụ cột trong OPEC+ (gồm 13 thành viên OPEC và các đối tác sản xuất dầu, trong đó có Nga). Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh OPEC+ thực hiện các vấn đề chính sách liên quan đến thị trường năng lượng và dầu mỏ, không can dự các vấn đề chính trị.
Trong cuộc họp mới đây nhất vào ngày 1/2, OPEC+ đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu.
Mức cắt giảm trên tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, được OPEC+ nhất trí thực hiện từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo thông tin đăng tải trên trang web của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát từ ngày 24/2/2022 chưa dẫn đến việc mất nguồn cung cấp dầu cho thị trường. Hiện chưa rõ tác động của các biện pháp trừng phạt đối với dòng năng lượng và khả năng mất nguồn cung sẽ kéo dài bao lâu.
Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia. Vào tháng 1/2022, tổng sản lượng dầu của Nga là 11,3 triệu thùng/ngày, trong đó 10 triệu thùng/ngày là dầu thô, khí ngưng tụ 960 kb/ngày và NGL 340 kb/ngày. Để so sánh, tổng sản lượng dầu của Mỹ là 17,6 triệu thùng/ngày trong khi của Saudi Arabia là 12 triệu thùng/ngày.