Việt Nam đang có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Rác thải hiện chủ yếu được tập trung, xử lý tại các bãi rác và một phần trôi nổi ra biển.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT xây dựng những đề án, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa.
Ông Hoàng Văn Thức cho biết, để khắc phục, hạn chế, bất cập tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và xã hội. Bộ TN&MT tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa và những biện pháp tiết kiệm, tái sử dụng rác thải nhựa. Đối với doanh nghiệp, Bộ TN&MT vừa tuyên truyền, đồng thời nghiên cứu định kỳ tổ chức bình chọn, công bố sản phẩm, cửa hàng, siêu thị thân thiện với môi trường...
Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa. Trong định hướng sửa Luật bảo vệ Môi trường sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5/2020 và dự kiến sẽ thông qua Luật này vào cuối năm 2020, Bộ TN&MT tham mưu điều chỉnh 8 nội dung chính của luật, trong đó có những nội dung liên quan đến rác thải nhựa.
“Quan điểm sửa luật có đưa ra những điều cấm, những chế tài phạt rõ ràng hơn. Trong đó, có những nội dung hướng dẫn định danh nền kinh tế tuần hoàn là như thế nào, khi bước sang nền kinh tế tuần hoàn thì những sản phẩm thải bỏ từ công đoạn này sẽ được sử dụng ở giai đoạn khác ra sao để giảm lượng phát thải ra môi trường”, ông Hoàng Văn Thức cho biết.
Đại diện Bộ TN&MT cũng cho hay, Bộ này đang đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Chính phủ về danh mục phế liệu được nhập khẩu. Trong đó đối với phế liệu nhựa chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa có giá trị cao. Bộ cũng nghiên cứu tham mưu bổ sung đưa bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng. Đồng thời tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy, bổ sung quy định túi nilon thân thiện với môi trường là đối tượng được miễn thuế bảo vệ môi trường, ưu đãi cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa.
Bộ TN&MT cũng có văn bản yêu cầu các địa phương, bộ ngành tăng cường thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Đồng thời, phát triển các sản phẩm, vật liệu thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy...
Trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa, Bộ TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp phải hạn chế tối đa sử dụng loại nhựa dùng một lần. Mục tiêu đến năm 2021 giảm phần lớn sản phẩm nhựa một lần, đến năm 2025 sẽ chấm dứt hoàn toàn sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
“Những doanh nghiệp có sản phẩm nhựa dùng một lần phải chuyển đổi công nghệ hoặc tự họ phải thay đổi quy trình sản xuất, nếu có sản phẩm nhựa dùng một lần thì bản thân họ phải chịu trách nhiệm thu hồi các sản phẩm này”, ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.