Trong khi đó, các nhà khoa học lo ngại: Số phận của đồng bằng sông Hồng sẽ ra sao khi bỗng nhiên sông Hồng – dòng Sông Mẹ bị “chặt” ra làm 7 khúc vì siêu dự án trị thủy kết hợp thủy điện, thủy lợi?
Dự án “chặt khúc sông Hồng” làm 7 phần
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện đề xuất.
Siêu dự án sẽ "chặt khúc" sông Hồng làm 7 phần.
Dự án này nhằm mở ra tuyến vận tải thông suốt sông Hồng từ Lạch Giang (Nam Định) tới Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Dự án này sẽ thực hiện việc xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai, với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 24.510 tỷ đồng.
Chủ đầu tư còn cho biết, dự án này sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Có thể nói, sông Hồng sẽ mang thêm sứ mệnh quan trọng trong việc kết nối giao thông, liên kết khu vực và hợp tác quốc tế. Đây lẽ ra là một tin vui không chỉ với nhà quản lý mà còn với người dân ở đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi bởi các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ có thêm hệ thống giao thông an toàn, tiện lợi nối với các tính đồng bằng và với biển. Giao thông đường thủy cùng hỗ trợ với giao thông đường bộ và đường sắt, thúc đẩy phát triển giao thương của các tỉnh miền núi, liên kết vùng và khu vực. Tuy nhiên, siêu dự án này lại khiến nhiều nhà khoa học lo lắng, e ngại.
Các nhà khoa học lo ngại
Thời gian gần đây, phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về việc Đồng bằng sông Cửu Long chịu đợt xâm nhập mặn chưa từng có trong lịch sử. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hạn, mặn xâm nhập gây thiệt hại cho hơn 208.000ha lúa, 9.400ha cây ăn quả, 2.000ha nuôi tôm cá quảng canh của toàn vùng. Nghiêm trọng hơn là hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, riêng Sóc Trăng có 43.000 hộ... Đây chính là hậu quả của những tác động của thủy điện trên sông Mekong. Và đối với sông Hồng, chắc chắn 6 đập dâng nước phục vụ 6 nhà máy thủy điện sẽ làm biến đổi sông Hồng theo một cách khó ai có thể lường trước được.
Tác động của thủy điện trên sông Mekong với người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã rõ. Tương lai sông Hồng thì sao?
Với 6 con đập này, sông Hồng sẽ bị chia thành 7 khúc, giao thông đường thủy không thể thông suốt. Các phương tiện thủy chỉ có thể vận chuyển từng chặng ngắn và buộc phải dùng hệ thống 7 cảng sông dọc tuyến theo phương án của nhà đầu tư.
Một khi sông Hồng đã bị “chặt” làm 7 khúc, dù là nước vẫn chảy, tàu bè vẫn lưu thông nhưng hồn cốt của một dòng sông cổ, dòng Sông Mẹ bồi đắp phù sa nuôi dưỡng người dân vùng đồng bằng sông Hồng sẽ không còn.
Một số chuyên gia cho biết, sau khi làm thủy điện Hòa Bình, lòng sông Hồng đã tụt xuống 1 mét. Như vậy, nếu xây thêm 6 con đập nữa thì lòng sâu lại tụt xuống càng sâu, điều này gây ra nguy cơ bị xâm mặn vào mùa khô, ảnh hưởng tới tưới tiêu trong nông nghiệp và tình trạng sụt lở mép sông càng tăng cao.
Người trình siêu dự án nói gì?
Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch – Đầu tư là người trình siêu dự án này lên Chính phủ. Ông cho biết, đề xuất của Xuân Thiện mới là bước sơ khai, ý tưởng đề xuất ban đầu. Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã gửi xin ý kiến các Bộ, ngành địa phương có liên quan về dự án này.
Ông Nguyễn Xuân Tự.
“Chúng tôi đã nhận được ý kiến có sự đồng thuận khá cao của Bộ, ngành, địa phương. Nhưng sự đồng thuận ở đây mới là bước báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục chủ đầu tư nghiên cứu tiếp dự án”, ông Tự nói trên báo Tri thức trẻ.
Ông cũng cho biết, nếu muốn đầu tư tiếp dự án phải qua 2 bước nữa là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án và sau đó thì sẽ tổ chức báo cáo khả thi, đồng thời, cơ quan Nhà nước phê duyệt báo cáo khả thi đó.
Báo cáo chi tiết dự án cho biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện dự tính làm siêu công trình kết hợp thủy điện, thủy lợi trong thời gian khá ngắn, chỉ 6 năm. Theo văn bản số 071/CV-XT gửi đi ngày 7-1-2016 của Công ty Xuân Thiện được Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) tiếp nhận, siêu dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện được khẳng định “rất cần thiết” để đầu tư.
Chủ đầu tư cũng không giấu tham vọng sẽ kết nối thẳng thủy lộ với Trung Quốc để từ đây có thể tổ chức vận tải hàng hóa từ Trung Quốc ra các cảng biển Việt Nam cũng như từ các cảng biển Việt Nam tới Trung Quốc qua đường thủy.
"Bước đầu chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ là dự án này kéo dài từ Lào Cai đến suốt dọc dòng sông như vậy sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến đồng bằng châu thổ sông Hồng và đặc biệt đến vấn đề thủy văn, thủy lợi, lấy nước, xói lở bờ sông... thì dự án mới chỉ ở bước đề xuất ý tưởng ban đầu.
Ngoài ra còn việc xây dựng các đập dâng nước như vậy sẽ xây dựng ở vị trí nào, mua bán điện như thế nào sẽ đều phải có báo cáo chi tiết", Tri thức trẻ dẫn lời ông Tự cho biết.
Tạm kết
Việt Nam đã trải qua bao thiên tai địch họa để tạo dựng vựa lúa sông Hồng. Từ vùng đất này, cha ông ta đứng dậy xây dựng cơ đồ, và sông Hồng – Sông Mẹ chính là dòng chảy huyết mạch nuôi nấng bao con dân của vùng đất linh thiêng này. Vì vậy, phải giữ gìn và bảo vệ sông Hồng bằng tư duy và cái nhìn của hàng thế kỷ. Trước những quyết định quan trọng có liên quan tới sông Hồng, các cấp, ngành nên chăng cần tính toán cẩn trọng, vì lợi ích lâu dài, vì tương lai bền vững.
Xuân Bách (tổng hợp)