Hiện Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Vào năm 2015, Việt Nam xếp vị trí 107 và thời điểm 2013 xếp ở vị trí 108.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,6 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.
Theo các chuyên gia, tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao nhưng tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân. Tính chung cả 2 giới, năm loại ung thư có tỉ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: ung thư gan hơn 25.000 ca (15,4%), tiếp theo là ung thư phổi 23.667 ca (14,4%), ung thư dạ dày 17.527 ca (10,6%), ung thư vú 15.229 ca (9,2%), ung thư trực tràng 14.733 ca (8,9%). Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt gồm: ung thư phổi (21,5%), ung thư gan (18,4%), ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư hầu họng. Ở nữ giới, hàng đầu vẫn là ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư gan.
Ung thư dạ dày là một bệnh phổ biến ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân khiến ung thư dạ dày trở thành “cửa tử” của nhiều bệnh nhân bởi đa số người dân chủ quan, thờ ơ với những thay đổi của cơ thể, không khám bệnh định kỳ theo năm… Bằng chứng là trong khi hơn 70% người dân Nhật Bản được phát hiện sớm ung thư dạ dày nhờ phương pháp nội soi đối với những người có nguy cơ cao thì tại Việt Nam, hầu hết bệnh nhân đều phát hiện bệnh này ở giai đoạn muộn, phải áp dụng phương pháp phẫu thuật hoặc hóa trị. Nếu phát hiện sớm thì chỉ cần cắt hớt niêm mạc dạ dày hoặc cắt bỏ polyp là có thể khỏi bệnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, một căn nguyên nữa khiến ung thư dạ dày không ngừng tăng là thói quen người dân Việt Nam ăn quá mặn, thức khuya (quá 23 giờ), lười vận động thể lực và khoảng 80% dân số nhiễm vi khuẩn HP trong đường tiêu hóa…
“Trong số 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới thì nước ta đứng thứ 18. Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra những thông số của người Việt Nam có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, từ đó mới khuyến cáo những người đó đi nội soi. Đối với ung thư đường tiêu hóa, cách tốt nhất là nội soi để phát hiện sớm. Chúng ta không thể nội soi cho tất cả người dân ngay được mà phải khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ cao. Đơn cử là những người trên 40 tuổi hoặc có bố, mẹ, anh, chị em ruột bị ung thư dạ dày (ở tuổi trước 40) thì đó là những người có nguy cơ cao”, PGS.TS Nguyễn Trường Khanh nói.
Mặc dù khoảng 40% trường hợp ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn uống, dinh dưỡng, hoạt động thể chất nhưng ung thư vẫn là thách thức lớn với ngành y tế Việt Nam.