Nghiên cứu cho thấy Bắc Cực đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn ít nhất hai đến ba lần so với phần còn lại trên thế giới. Khi lớp đất đóng băng bên dưới bề mặt tan chảy, các khoáng chất tồn tại trong lớp đất đó giờ đây đang thấm vào nước.
Brett Poulin, phó giáo sư về chất độc môi trường tại Đại học California Davis cho biết: “Đó là hậu quả không lường trước được của biến đổi khí hậu đang dần phá hủy một số con sông nguyên sơ nhất ở Mỹ”.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu đang làm tan chảy các lớp băng vĩnh cửu khiến các khoáng chất mắc kẹt trong băng tạo ra phản ứng khi tiếp xúc với oxy. Quá trình này được gọi là phong hóa, làm tăng độ axit của nước và hàm lượng kim loại như kẽm, đồng, cadmium và sắt. Đây là nguyên nhân chính làm cho các con sông có màu gỉ sét, có thể nhìn thấy từ hình ảnh vệ tinh.
Nghiên cứu nhấn mạnh tình trạng này có thể dẫn đến sự suy thoái nguồn nước ngọt, tàn phá môi trường sống của các loài sinh vật biển và gây rủi ro đối với ngành ngư nghiệp ở Bắc Cực.
Hiện tượng kỳ lạ này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2018, khi các nhà nghiên cứu nhận thấy làn nước trong vắt dọc theo dãy Brooks ở phía bắc Alaska đã chuyển sang màu cam đục.
Cùng năm đó, nhiều loài cá đặc trưng trong vùng đã hoàn toàn biến mất khỏi một nhánh của sông Akillik ở công viên quốc gia Thung lũng Kobuk.
Ông Poulin chia sẻ: “Kể từ khi dòng sông chuyển sang màu rỉ sét, số lượng động vật không xương sống cỡ lớn và màng sinh học ở đáy suối đã giảm đáng kể.”
Hiện tượng này thường xảy ra vào mùa hè, điển hình là tháng 7 và tháng 8. Các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Công viên Quốc gia, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và Đại học California Davis hiện vẫn đang tìm hiểu về tác động lâu dài của sự thay đổi thành phần hóa học trong nước ở các vùng có lớp băng vĩnh cửu như Alaska, Canada, Nga và một số khu vực của Scandinavia.
Các nhóm nghiên cứu cho biết họ đang liên kết chặt chẽ với các ban lãnh đạo địa phương thuộc bang Alaska để đảm bảo người dân sẽ nhận được thông tin chính xác về hiện tượng này.