Gia đình cho biết, bé Nguyễn Quang V., 10 tuổi ở Phú Thọ sốt cao liên tiếp 3 tuần. Sau đó bé V. đã được đưa đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng đều nhận được những cái lắc đầu.
Khi được chuyển tới Bệnh viện Nhi TƯ, bệnh nhi đã trong tình trạng bị suy tim nặng. Có thời điểm phải thở máy và hồi sức, tiên lượng chỉ còn sống bằng giờ.
TS. BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, sau khi siêu âm, bác sĩ phát hiện van động mạch chủ tim của bệnh nhi bị tổn thương rất nặng do vi khuẩn tạo thành khối sùi đã ăn mòn hết. Bệnh nhi có hiện tượng dọa phù phổi, có thể đột tử bất cứ lúc nào.
Để phẫu thuật, bác sĩ đứng trước hàng loạt thách thức như bệnh nhi còn quá nhỏ, van tim không có sẵn, phương pháp sử dụng chính màng tim tự thân để tạo lá van cũng không khả thi, trong khi chưa thể xác định chính xác các cơ quan xung quanh có bị vi khuẩn tấn công hay không. TS Trường cho biết, đây là trường hợp mắc bệnh lý van tim phức tạp nhất từ trước đến nay.
Để cứu tính mạng cháu bé, Trung tâm đã liên hệ với nhiều đơn vị cung cấp van tim nhân tạo để tìm loại van nhỏ nhất có thể. Rất may, sau gần 30 phút liên hệ, đơn vị cung cấp đã tìm được và thay rất vừa vặn.
Ca mổ kéo dài suốt 9 tiếng và đã thành công. Sau hồi sức 1 ngày, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, sức khoẻ tiến triển tốt.
Đến nay, sau phẫu thuật hơn 3 tuần, bệnh nhi đã khoẻ mạnh, van được thay hoạt động tốt.
Theo TS Trường, nếu van tim hoạt động ổn định, có thể duy trì đến khi trẻ trưởng thành. Khi cân nặng trẻ lên tới 60kg sẽ phải mổ để thay van mới, lúc này việc thay thế đơn giản hơn rất nhiều.
Nói rõ hơn về trường hợp cháu V., TS Trường cho biết, bệnh nhi vốn có bệnh lý tim bẩm sinh, sau đó bị vi khuẩn xâm nhập qua đường máu rồi khu trú ở van động mạch chủ, sau đó ăn mòn dần bộ phận này.
Bình thường, máu trong động mạch chủ chảy 1 chiều, ngăn không cho trào ngược về tim. Khi van động mạch chủ tim bị hỏng, máu bị trào ngược, gây áp lực lớn lên buồng tim, gây suy tim, phù phổi.
TS Trường khuyến cáo các bậc cha mẹ, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt kéo dài nên đưa đến viện theo dõi, tìm nguyên nhân.
Đặc biệt, khi thấy trẻ dễ bị xuống sức khi vận động, yếu, chậm tăng cân, hay vã mồ hôi khi ngủ... cần đưa đến cơ sở y tế tầm soát, sàng lọc các bệnh lý tim bẩm sinh.