Tiếng thở dài mùa COVID-19

Tiếng thở dài mùa COVID-19

Từ đợt khủng hoảng tài chính cách đây hơn chục năm, anh Nguyễn Khắc Lương - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp và dịch vụ Việt Nam (ISV), một công ty chuyên bao bì đóng gói và phụ trợ công nghiệp ở KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội mới lại chứng kiến một đợt khủng hoảng khác, lần này nặng nề hơn vì COVID-19 gây ra.
_____________

Khắp công ty, lãnh đạo bóp trán, ngao ngán vì không có bất cứ phương án dự phòng nào. Còn công nhân nằm dài trông ngày tháng dần qua…

Tiếng thở dài mùa COVID-19 ảnh 1

Gửi con gái 2 tuổi cho ông bà nội ở Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1994), một công nhân lành nghề ở Công ty ISV cùng chồng lên Hà Nội mưu sinh.

Từ ngày dịch COVID-19 ập đến, con gái Thủy không thể ở cùng bố mẹ ở khu trọ chật chội, lớp mầm non cũng bị dừng vô thời hạn. Chuyện ăn uống của con gái cũng bị ảnh hưởng, những bữa sữa trong ngày cũng bị cắt giảm bởi  thu nhập của bố mẹ không đủ chi trả cho tất cả nhu cầu của con gái.

Tiếng thở dài mùa COVID-19 ảnh 2

Hơn 6 năm gắn bó với công ty, Thủy may mắn không thuộc diện cắt giảm nhân lực. Nhưng chồng Thủy thì không như thế. Là công nhân cơ khí của một công ty cũng nằm trong KCN Quang Minh, Mê Linh, chồng Thủy đã nghỉ làm hơn tháng nay. Công ty đó hứa khi nào dịch dập, công việc nhiều sẽ gọi công nhân về, nhưng cả hai vợ chồng Thủy đều thấy mông lung. Giữa mùa dịch bệnh, chồng Thủy không chịu bó gối ngồi nhà, vẫn cố gắng gõ cửa một vài công ty để mong xin việc, nhưng thất bại. “Tìm việc bây giờ cũng khó, mà chờ việc thì... nóng ruột...” - Thủy kể.

Không sốt ruột sao được khi cả nhà dựa cả vào đồng lương ít ỏi của Thủy. Năm ngoái, thu nhập một công nhân như Thủy được tầm 6-7 triệu đồng/tháng. Năm nay giảm nhiều, còn khoảng tầm 4 triệu đồng.

- Có đủ tiêu không em?

- Không chị!

Tiếng thở dài mùa COVID-19 ảnh 3

Thủy tính nhẩm, trừ đi chi phí nhà trọ 1,5 triệu đồng/tháng, xăng xe, điện nước, sinh hoạt, tằn tiện nhất dao động từ 3-3,2 triệu đồng/tháng đã hết veo. “Tiền điện ở khu trọ là 4.000 đồng/số, may quá đợt này dịch,cô chủ trọ chỉ lấy 3.000 đồng, hai vợ chồng bảo nhau dùng tiết kiệm. Đấy là còn chưa tính chi tiêu cho con nhỏ ở quê đấy chị. Tiền sữa, quần áo cho con các thứ…. Tiền sữa cho trẻ 2 tuổi cũng phải hơn 1 triệu đồng/tháng, dù con em đã đổi sang sữa rẻ hơn”.

Nhưng Thủy không buồn, Thủy luôn nghĩ “khéo co thì ấm”. Thủy hồ hởi: “Trộm vía một cái là con gái em không bị ốm, ngoan lắm, chỉ hơi còi tí thôi”. 

Ở KCN Quang Minh, chủ yếu là các công ty sống dựa vào việc xuất hàng đi các nước bạn, đối với các công ty hợp tác với các quốc gia đang điêu đứng vì COVID-19 thì hoạt động của công ty chật vật hơn bao giờ hết.

Nghe Thủy và mấy công nhân trong xưởng ISV kể, ngay ở trong KCN Quang Minh này, có đôi ba công ty Hàn Quốc đã phá sản. Dịch COVID-19 khiến lãnh đạo công ty “mắc kẹt” ở trong nước, chẳng sang Việt Nam nữa, công nhân ngơ ngác vì mất việc đột ngột.

Tiếng thở dài mùa COVID-19 ảnh 4

Những khu trọ quanh khu công nghiệp Quang Minh ngày thường bỗng có nhiều tiếng nói cười hơn, nhiều công nhân nằm dài ở nhà. Nhưng khu trọ ở Mê Linh đợt này chỉ có tiếng người lớn, trẻ con đã ở quê với ông bà chúng hết cả.

Nguyễn Thị Thủy ngậm ngùi: “Trước em có bà lên Hà Nội chăm con giúp. Đợt này dịch, cả bà và con gái đều về quê”.

Thời điểm này năm ngoái, Thủy và chồng phải “bục mặt” tăng ca, mướt mồ hôi bên những chuyền sản xuất, nhưng năm nay, cứ hết thứ 6, hai vợ chồng lại đèo nhau về Vĩnh Phúc thăm con. Nỗi nhớ con da diết và nỗi lo lắng mưu sinh chở nặng trên chiếc xe máy cũ của đôi vợ chồng trẻ. 

Tiếng thở dài mùa COVID-19 ảnh 5

Nhà xưởng ISV giờ vắng hoe, từ khoảng 70 công nhân, giờ giảm chỉ có gần 20 người thấp thoáng đứng ở các khâu vận hành.

Phía ngoài cổng, nhà để xe lác đác dăm ba cái xe đạp, xe máy. Nhà ăn công ty từng nấu cho gần 100 người giờ hoạt động cầm chừng.

“Chưa từng thế này bao giờ” - Giám đốc Công ty ISV Nguyễn Khắc Lương vừa rót nước mời chúng tôi vừa thở dài, xuyên suốt câu chuyện là 5 lần 7 lượt anh buông lời “Chán lắm!”.

13 năm “chèo chống” công ty từ ngày thành lập năm 2007, đây là thử thách kỉ lục mà anh Lương thấy khó khăn, vất vả. Vừa đối phó với COVID-19, công ty vừa phải cạnh tranh gay gắt vì lĩnh vực bao bì mang tính cạnh tranh rất lớn, lượng công ty làm bao bì trong nước “đông như quân Nguyên”.

Tiếng thở dài mùa COVID-19 ảnh 6

- “Nếu COVID-19 kéo dài đến hết năm nay hoặc sang nửa năm sau thì công ty mình có trụ được không anh?

- Chưa biết thế nào. Mình ngồi tính khó lắm…”.

Rồi anh lại cau mày suy nghĩ.

Câu hỏi ấy, 20 công nhân đang kiên nhẫn gắn bó với công ty và cả lãnh đạo đều khó trả lời.

Đợt dịch COVID-19 ban đầu đã ảnh hưởng rất nặng nề đến công ty ISV. Công ty cho công nhân nghỉ việc gần hết. Số còn lại một tuần chỉ gọi đi làm 1-2 buổi theo kiểu cầm chừng. Theo anh Lương, trước đây một tháng công ty phải tăng ca, sản xuất tầm 500 tấn hàng xuất đi các nước ngoài. Khi “bão” COVID-19 ập đến, số lượng hàng chỉ còn vài chục tấn hàng mỗi tháng. Tất cả chỉ bởi đối tác nước ngoài xuất khẩu của công ty chiếm khoảng 90%, chỉ có số ít ỏi đối tác trong nước chiếm 10%. Hàng bị tồn đọng, các nước ngoài cũng liêu xiêu vì COVID-19 nên việc kinh doanh bị đình trệ.

“Đấy là khó khăn về doanh thu đầu ra, còn khó khăn bây giờ là dù đầu ra không có nhưng công ty vẫn phải trả chi phí thuê nhà xưởng, vẫn phải hỗ trợ lương cho anh em công nhân, vẫn phải trả lãi ngân hàng, bù hao máy móc… Những cái đấy ảnh hưởng rất nhiều đến sức sống của doanh nghiệp”- anh Nguyễn Khắc Lương nói.

Đợt dịch COVID-19 thứ hai tái bùng phát, công ty lại lao đao lần nữa. Chỉ khác là cả lãnh đạo và công nhân đều đã chủ động đón nhận và có biện pháp để ứng phó, nhưng sức ảnh hưởng của nó cũng chẳng đỡ hơn.

Tiếng thở dài mùa COVID-19 ảnh 7

“Bởi tình hình dịch bệnh bên các nước bạn vẫn rất phức tạp, như Mỹ chẳng hạn, căng thẳng hơn bên mình” - anh Lương lý giải.

 Trước mắt, anh Lương phải căng mình ra tính toán, “xin” các nhà cung cấp về vấn đề thanh toán trong giai đoạn dịch, rồi lặn lội tìm những khách hàng mới trong nước để bù đắp sụt giảm. Bước tiếp theo là cắt giảm các chi phí không cầm thiết, “ngay cả lãnh đạo cũng phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế các bữa nhậu, mời khách tốn kém…” - anh Lương cười nói.

Tất cả những tính toán đó, anh Lương đã thực hiện suốt mấy tháng qua, nhưng tương lai của công ty vẫn mờ mịt. Trong lúc khó khăn, xuất khẩu đình trệ, anh Lương và nhiều công ty khác ở KCN Quang Minh vẫn đang ngóng chờ sự hỗ trợ từ nhà nước. Hỗ trợ về lãi suất, vay vốn, tiền điện nước, thuế... nhất là hỗ trợ giảm thuế, tiền bảo hiểm.

Sức sống của công ty ISV như bao đối tác khác, là dấu hỏi còn để ngỏ trong tương lai. Dù chưa có câu trả lời, nhưng anh Lương vẫn bình tĩnh: “Mình chỉ biết hy vọng thôi, không có công nhân nào phải nghỉ nữa là ổn rồi. Thời điểm đầu năm, cả thế giới đều rất hoảng sợ. Nhưng khi mình đã bước vào dịch, phải sống chung với nó rồi thì mình thấy đó là chuyện bình thường. Công ty đã nhanh chóng thiết lập nhịp làm việc mới trong trạng thái bình thường mới. Có một số khách hàng họ đã quay trở lại đặt hàng, mặc dù dịch bên nước đó vẫn rất căng thẳng. Mình phải chung sống với dịch bệnh thôi”...

Tiếng thở dài mùa COVID-19 ảnh 8

Bài: Bích Ngọc - Việt Khôi

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Xây dựng tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Xây dựng tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngày 4/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Sự kiện do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức, thu hút sự quan tâm, tham gia của giới chuyên gia, các tổ chức, cá nhân lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước.
Thủ tướng: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra
Thủ tướng: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra
Ngày 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024 để đánh giá về hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Thêm nguồn tư liệu quý giá về nhạc văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Thêm nguồn tư liệu quý giá về nhạc văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Tọa đàm ra mắt sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc – văn” đã diễn ra ngày 4/5 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, số 65 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sách dày 800 trang, của tác giả Lê Y Linh, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Tri Thức Trẻ Books ấn hành.
Google "nín thở" chờ phán quyết trong vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ
Google "nín thở" chờ phán quyết trong vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ
Ngày 3/5, Tập đoàn Google và Bộ Tư pháp Mỹ đã kết thúc phần tranh luận cuối cùng liên quan đến cáo buộc công ty con của Alphabet vi phạm luật chống độc quyền ở mảng công cụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Đây là vụ kiện mang tính bước ngoặt, được đánh giá là có khả năng định hình “tương lai của Internet”.
Tòa án Nepal ra lệnh hạn chế giấy phép leo núi Everest
Tòa án Nepal ra lệnh hạn chế giấy phép leo núi Everest
Tòa án tối cao Nepal vừa ra lệnh hạn chế số lượng giấy phép leo núi đối với đỉnh núi Everest và các đỉnh núi khác. Quyết định này được đưa ra ngay trước thềm mùa leo núi mùa xuân, thời điểm thu hút hàng trăm nhà thám hiểm đổ về dãy Himalaya.
Nhiều khu vực có mưa và dông
Nhiều khu vực có mưa và dông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy vân Quốc gia, ngày và đêm 4/5, trên cả nước nhiều khu vực có mưa và dông, cục bộ có mưa to.