Cuối tháng 2/2020, các diễn đàn ô tô xe máy xôn xao trước thông tin doanh nhân Đoàn Hiếu Minh mua chiếc xe Vinfast Lux 2.0. Sẽ không có gì đáng nói, nếu ông Minh không là một người rất nổi tiếng trong giới chơi xe tại Việt Nam. |
Trẻ tuổi, thành đạt, sở hữu nhiều siêu xe, nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thắn trên mạng xã hội và phương pháp kinh doanh không giống ai, nhưng ông Minh được biết đến nhiều, dưới vai trò một doanh nhân đưa nhãn hiệu xe siêu sang Rolls Royce chính thức phân phối tại Việt Nam. Việc một doanh nhân như ông Minh mua xe VinFast là một sự kiện đáng để giới mộ điệu xe cộ quan tâm.
Trả lời Ngày Nay về lí do mua xe VinFast, ông Minh cho biết: “Trước hết vì sự tò mò và ngưỡng mộ. Tò mò vì muốn biết xem VinGroup làm xe ô tô như thế nào? Ngưỡng mộ vì đã từ lâu, không ai còn tin Việt Nam có thể sản xuất được xe ô tô thương hiệu Việt. Sau đó, mua để trải nghiệm về những gì VinFast đã đầu tư và đưa nó lên chiếc xe. Mua để ủng hộ và để góp một chút xíu vào ước mơ Việt Nam có sẽ có một nền công nghiệp ô tô phát triển”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng ông Minh mua xe Vinfast để đánh bóng thương hiệu, nhưng ông chỉ cười, “tôi mua xe VinFast là để sử dụng.”
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast được tập đoàn VinGroup đầu tư, khởi công từ tháng 9/2017, đến tháng 6/2019 thì khánh thành. Chỉ trong 21 tháng, từ vùng đầm lầy trở thành một nhà máy sản xuất ô tô xe máy cực kì hiện đại, thành tựu này được đánh giá là kỳ tích trong ngành công nghiệp ô tô trên thế giới. Cũng tại buổi khánh thành, những chiếc xe đầu tiên được giao cho khách hàng trong 10.000 đơn hàng, theo thông tin nhà sản xuất công bố.
Phát biểu tại lễ khánh thành tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ ngạc nhiên trước tốc độ xây dựng nhà máy ô tô Vinfast, đồng thời ông đánh giá cao đóng góp của Vinfast đến nền kinh tế với hàng ngàn tỉ đóng góp vào ngân sách hàng năm. Cũng trong buổi lễ, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy đầu tư phát triển công nghệ, công nghiệp nước nhà, không chỉ vì tương lai của Việt Nam, mà còn là vì sự phát triển bền vững của đất nước và doanh nghiệp.
Khác với doanh nhân Đoàn Hiếu Minh, Nguyễn Anh Tú, biệt danh Tú “voi” lại mua một chiếc sedan Vinfast theo lí do khác. Ẩn sau cặp kính cận và dáng vẻ thư sinh, không ai có thể nghĩ rằng Tú "voi" đang sở hữu một bảng thành tích đua xe đáng nể, vô địch giải đua xe uy tín Offroad KOK 2019, Á quân giải đua VOC 2019, vận động viên đua xe thể thao Gymkhana, chuyên gia biểu diễn Drift Race…
Nghề chính của Tú "voi" là sửa chữa, nâng cấp ô tô, trả lời Ngày Nay về lí do mua xe Vinfast, Tú cho rằng máy móc, các chi tiết kĩ thuật, độ an toàn và dĩ nhiên là giá cả là những yếu tố quan trọng. “Tôi cũng đã chạy thử xe Vinfast của nhà máy, mượn của bạn bè đi nhiều lần, thấy ổn rồi mới quyết định mua” -Tú chia sẻ.
Khi được hỏi về xe dưới góc nhìn của một thợ sửa chữa và chuyên nâng cấp xe, Tú nhận định: “Vinfast nói chung là ổn, bởi máy và gầm xe sử dụng của BMW, tương lai thì không biết thế nào nhưng hiện tại thì giá phụ tùng và thiết bị thay thế đang được hỗ trợ rất rẻ”.
Mặc dù là “tay chơi” mới chập chững trong nền công nghiệp ô tô Việt Nam cũng như thế giới, nhưng Vinfast cũng đã có những bước đi tạo nền tảng vững chắc, bằng việc hợp tác công nghệ và kỹ thuật với những nhà sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng có tên tuổi và lâu đời của Châu Âu như BMW, Siemens AG, Bosch của Đức, Magna Steyr của Áo và Pinifarina của Ý …
Không những vậy, những mẫu xe Vinfast được nhà sản xuất đăng kí với chương trình đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á (ASEAN NCAP) chỉ sau một thời gian ngắn, kết quả kiểm định chính thức của ASEAN NCAP cho kết quả rất cao về độ cứng, về khả năng bảo vệ người trong xe khi va chạm. Chứng nhận cao nhất 5 sao của ASEAN NCAP cho hai mẫu VinFast Lux SA2.0 và Lux A2.0, 4 sao cho VinFast Fadil được các chuyên gia đánh giá là thay đổi mạnh mẽ nhận thức của khách hàng về an toàn cho phân khúc xe phổ thông tại thị trường Việt Nam.
Bất chấp sự đầu tư mạnh mẽ và kiểm định chất lượng khắt khe, với thời gian quá ngắn để ra sản phẩm, Vinfast cũng không thể tránh khỏi nhiều lỗi vặt, các diễn đàn ô tô - xe máy và mạng xã hội vẫn thỉnh thoảng xuất hiện các hình ảnh và lời than phiền của tài xế lái xe Vinfast về sản phẩm.
“Có những lỗi vặt thì nhà sản xuất phải cải tiến, đó là một quá trình, những lỗi xuất hiện theo đánh giá của tôi là không quá khó để xử lí, hoặc có những lỗi đã được nhà sản xuất cải thiện thì cần ít nhất 5 năm mới đánh giá được, dù sao, Vinfast được sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại nên cũng không đáng ngại, và chúng ta cũng nên tin tưởng vào họ thôi” - Nguyễn Anh Tú nhấn mạnh khi kết thúc cuộc trao đổi với Ngày Nay.
Dừng xe trước cửa một quán cà phê đông đúc trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Lê.H bối rối một lúc mới mở cửa bước vào quán, trước nhiều ánh mắt đổ dồn vào chiếc Vinfast Lux SA2.0 màu cam cô đang đi. Mặc dù đã trải qua nhiều đời xe trước đây, nhưng phải đến khi lái chiếc Vinfast này, cô mới cảm thấy thực sự phù hợp.
“Đối với phụ nữ, máy móc không quan trọng, mà quan trọng là hình thức và ít bị đụng hàng, tôi cũng đã tham khảo nhiều trước khi mua xe, và thấy chiếc xe này rất đẹp so với những xe nhãn hiệu khác cùng phân khúc và giá cả. Nói thì sợ bị ném đá, nhưng có vẻ, bạn lái chiếc Vinfast còn được chú ý hơn bạn lái một chiếc xe sang khác đắt tiền hơn, và đó là một cảm giác khá thú vị” Le.H cười sảng khoái bộc bạch sau khi đề nghị được giấu tên.
Năm 2017, một thông tin khiến giới chuyên gia về ô tô khá bất ngờ, khi VinGroup hé lộ thông tin về các đối tác thiết kế xe. Đó là 4 studio thiết kế xe nổi tiếng thế giới Pininfarina, Zagato, Torino và Ital Design. Đây là những nhà thiết kế đã tạo nên tên tuổi cho những siêu phẩm cho các hãng xe danh tiếng như Audi, Bentley, BMW, Cadillac, Ferrari, Jaguar, Mercedes-Benz, Porsche, Rolls-Royce, Maserati… Ba dòng xe Vinfast hiện tại được lựa chọn từ 20 mẫu ban đầu, có vẻ đáp ứng khá tốt nhu cầu về thị giác của khách hàng, khi rất ít lời phàn nàn của người yêu xe.
Công nghiệp sản xuất ô tô là một lĩnh vực quan trọng của kinh tế toàn cầu, nếu tách riêng ra, nó tương đương với một nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Dịch bệnh trong hơn nửa năm qua đã đẩy ngành công nghiệp này lâm vào tình cảnh bi đát, đánh trực tiếp vào 3 chân đế quan trọng nhất: Sức mua của khách hàng, lực lượng lao động và chuỗi ứng linh kiện. Khó khăn lần này khác hoàn toàn với các cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế trước đây.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của khách hàng, sự nỗ lực của nhà sản xuất và những thông tin tích cực nhưng những thông tin đó không khái quát được bức tranh toàn cảnh mà Vinfast, cũng như tập đoàn mẹ VinGroup phải đối mặt khi đặt chân vào lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro này.
Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, thì doanh số ô tô toàn cầu cũng đã đã có những chỉ dấu suy thoái. Đạt đỉnh vào năm 2017 với 79,6 triệu xe được bán ra trên toàn thế giới, doanh số xe ô tô du lịch bắt đầu đi xuống, và được dự đoán sẽ giảm mạnh xuống còn 59,6 triệu xe trong năm nay. Thị trường ô tô lớn và tăng trưởng nhanh nhất thế giới là Trung Quốc cũng được dự báo sẽ ghi nhận năm sụt giảm doanh số đầu tiên kể từ 2018, ước tính giảm 2,9%. Trong nửa đầu tháng 2, doanh số tại thị trường này giảm tới 92%.
Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động chung của tình hình thế giới. Đợt bùng phát thứ 2 của dịch COVID-19 vào cuối tháng 7 đã xoá sổ đà phục hồi từ tháng 6 của thị trường ô tô, khi doanh số tháng 7/2020 chỉ đạt 24.065 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hãng xe phải liên tục đưa ra các biện pháp giảm giá kích cầu để có thể đảm bảo doanh số bán ra bao gồm cả VinFast, điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới cơ cấu lợi nhuận của hãng xe này.
Nhưng ở một tầm nhìn xa hơn, thị trường ô tô Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn rất hứa hẹn, nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo và tích luỹ trong dân lớn. Sức ép về hạ tầng cũng sẽ giảm dần, khi các tỉnh thành trên cả nước đều đang đô thị hoá mạnh mẽ, và trở thành thị trường tiêu thụ quan trọng bên cạnh hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, theo báo cáo phân tích của ACB Securities, vào năm 2017, Việt Nam mới chỉ có khoảng 25 xe ô tô trên 1000 người dân, con số này là quá thấp so với các nước trong khu vực như Philipines (61), Indonesia (96), Thái Lan (302), Malaysia (634). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng nhanh nhất thế giới, thị trường ô tô Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.
Tuy nhiên thị trường Việt Nam không phải mục tiêu duy nhất của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, vị doanh nhân từng trưởng thành từ ngành sản xuất công nghiệp ở nước ngoài ngay từ những ngày đầu đã không giấu diếm tham vọng đưa VinFast ra thế giới.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo nên một thương hiệu quốc tế. Đây sẽ là chặng đường khó khăn, chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng sẽ chỉ có một con đường ở phía trước để đi” - ông Phạm Nhật Vượng trả lời Bloomberg vào cuối năm 2019.
Trong cuộc họp Đại hội Đại cổ đông vào tháng 5 của VinGroup, chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng cho biết định hướng xuất khẩu của VinFast, với thị trường Mỹ là trọng điểm. Đây chính xác là con đường mà Hyundai đã từng đi trong thập kỷ 80 để có được thành công như ngày hôm nay, trái ngược với các bài học thất bại khi không có định hướng xuất khẩu, mà chỉ tập trung vào thị trường nội địa như Proton của Malaysia. Học giả Joe Studwell gọi điều này là “kỷ luật xuất khẩu” thứ đã tạo nên sự vươn lên thần kỳ của các thương hiệu Đông Á trong những thập kỷ qua. Theo đó, việc cố gắng thâm nhập các thị trường phát triển Âu Mỹ là cách duy nhất để các hãng đi sau đạt được các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, cũng như nhanh chóng đuổi kịp biên công nghệ thế giới.
Khi hàng rào thuế quan dần bị xoá bỏ, các nhà sản xuất ô tô nội địa sẽ mất đi lợi thế giá bán rẻ tương đối so với các nhà sản xuất nước ngoài, vốn có quy mô sản xuất lớn và nhiều kinh nghiệm hơn. Những đồng lợi nhuận của các nhà sản xuất nội địa cũng sẽ không còn đến từ một bảng lương thấp của hàng nghìn công nhân tay nghề vừa phải, hay các ưu đãi về thuế doanh nghiệp, linh kiện, đất đai, giá điện như trước, mà đến từ các giá trị gia tăng cao hơn như R&D, hậu mãi và giá trị về thương hiệu.
Sức ép phải nội địa hoá đến từ các nhà làm chính sách cũng sẽ rất mạnh trong những năm tới, khi hàng loạt hãng xe ngoại đã thất bại trong cam kết nội địa hoá trước đây, thậm chí một số hãng đã quyết định chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Đây là một bài học đau xót, ước mơ ngây thơ rằng cố gắng làm thuê để học việc rồi sẽ có ngày tự mình làm được, đã hoàn toàn bị phá sản.
Các cơ quan quản lý có lẽ cũng đã hết kiên nhẫn với thực trạng này. GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từng phát biểu chua chát rằng: “Gần 30 năm nay chúng ta thất bại trong chiến lược ô tô do bảo hộ cho ngành ô tô trong nước bằng thuế rất cao, người tiêu dùng mua ô tô rất đắt. Vì thế các doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam là chủ yếu.”
Cho tới giờ phút này, có thể khẳng định rằng VinFast vẫn đang tỏ ra là một “tay chơi” chủ động với một chiến lược nhất quán đi đúng hướng, khi liên tiếp đạt những kỷ lục không chỉ về xây dựng nhà máy, thiết kế, cho ra sản phẩm hoàn chỉnh mà còn đạt doanh số đứng đầu thị trường ở một số dòng xe chỉ sau một thời gian rất ngắn. Lộ trình nội địa hoá của VinFast cũng rất rõ ràng, khi ngay tại tổ hợp nhà máy, 30% diện tích được dành để thu hút các nhà cung ứng linh kiện, phụ tùng tại chỗ.
Giấc mơ của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã thực sự thành hình, người Việt đã có những chiếc xe để có thể tự hào, và họ mua nó không chỉ vì tinh thần dân tộc, mà vì giá trị thực sự nó mang lại. Nhưng sự sung sức của kẻ mới nhập cuộc, sự mới lạ và giá trị vô giá của một “thương hiệu quốc dân” liệu có kéo dài mãi, và có đủ để cho VinFast trụ vững, ngày càng phát triển hay không, đặc biệt là trong một thị trường phải cạnh tranh trực tiếp với những gã khổng lồ quốc tế hàng trăm năm tuổi, có giá trị vốn hoá lớn hơn cả nền kinh tế nước ta. Bỏ những tình cảm dân tộc sang một bên, thật khó có ai dám khẳng định một điều gì chắc chắn.
Bài: Hùng Sơn, Hữu Quang,
Lê Tùng Anh, Chung Nguyễn
Thiết kế: Thúy Hà