Nghiên cứu “Sự gia tăng cháy rừng ở các khu rừng nhiệt đới châu Phi có liên quan đến nạn phá rừng và biến đổi khí hậu” được đăng trên Geophysical Research Letters. Theo nghiên cứu, nguyên nhân các vụ cháy tăng chủ yếu là do điều kiện ngày càng nóng, khô và tác động của con người đối với rừng, bao gồm cả nạn phá rừng. Số vụ cháy có thể sẽ tiếp tục tăng dựa trên các dự báo về khí hậu hiện tại.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo không thể phớt lờ các vụ cháy rừng ẩm ướt, trong bối cảnh tình trạng cháy rừng ngày càng gia tăng ở các khu rừng ẩm khác, chẳng hạn như Tây Bắc Mỹ ven biển Thái Bình Dương và Amazon.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã biết rằng các khu rừng ẩm ướt ở Tây và Trung Phi thường xảy ra cháy. Tuy nhiên, vì các đám cháy có xu hướng nhỏ hơn nhiều so với các đám cháy ở rừng khô và thảo nguyên nên có tương đối ít nghiên cứu về cháy rừng nhiệt đới ở châu Phi.
Nhà sinh thái học Michael Wimberly tại Đại học Oklahoma (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trong lịch sử, các nhà khoa học không coi lửa là một phần đáng quan ngại đối với các khu rừng nhiệt đới ẩm, nhưng đã có nghiên cứu ở rừng Amazon trong những thập kỷ gần đây cho thấy điều ngược lại. Tình trạng rừng ẩm dễ bị cháy đang ngày càng được quan tâm và các đám cháy phản ánh tác động quan trọng của biến đổi khí hậu ở các khu rừng nhiệt đới.
Nghiên cứu trước đây về cháy rừng ở các khu rừng nhiệt đới ẩm ở châu Phi thường tập trung vào các khu vực tương đối nhỏ hoặc sử dụng các bộ dữ liệu không đại diện cho toàn bộ hệ thống rừng. Trong khi đó, nghiên cứu mới nhất trên đưa ra đánh giá toàn diện đầu tiên về quy mô cháy ở các khu rừng ẩm ướt tại châu Phi.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi các đám cháy đang diễn ra từ năm 2003 đến năm 2021 ở miền Tây và miền Trung châu Phi, bao gồm cả Lưu vực Congo, khu rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới trải dài trên 6 quốc gia châu Phi. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tần suất cháy tăng lên rõ rệt theo thời gian. Mức tăng lớn nhất là ở các khu rừng đất thấp ở phía Tây Bắc Congo, nơi có thêm 400 đám cháy thiêu rụi trên 10.000 km2 hằng năm vào năm 2021 so với năm 2003. Trên hầu hết Lưu vực Congo, số vụ cháy rừng tăng gấp đôi trong giai đoạn nghiên cứu.
Những khu vực bị mất rừng nhanh chóng hoặc bị phá rừng cũng chứng kiến nhiều vụ cháy rừng hơn. Phá rừng có liên quan đến mức độ hoạt động cao của con người và các mảnh rừng còn lại, làm tăng chiều dài của các rìa lộ thiên nơi bùng phát hầu hết các đám cháy. Rìa rừng có khí hậu khô hơn và có nhiều loài xâm lấn hơn so với ở vùng lõi rừng, khiến rừng dễ bị cháy hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh các vụ cháy xảy ra với các kiểu thời tiết và tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa cháy, nhiệt độ cao và thiếu hụt áp suất hơi, một dấu hiệu cho thấy thực vật đang thiếu nước. Họ tìm thấy mối quan hệ đặc biệt mạnh mẽ trong thời kỳ “siêu El Nino” 2015-2016, dẫn đến tình trạng hạn hán và nắng nóng bất thường ở vùng nhiệt đới châu Phi.
Các phát hiện trên cung cấp những hiểu biết quan trọng về cách biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến diễn biến cháy rừng ở châu Phi, đặc biệt là trong những năm xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino. Những phát hiện này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát cháy ở rìa rừng. Rừng chịu ảnh hưởng từ các đám cháy thường có ít tán che phủ hơn và bị chia cắt nhiều hơn, từ đó lại làm tăng nguy cơ cháy.
Nhà sinh thái học Wimberly nhấn mạnh cháy rừng nhiệt đới đã bị bỏ qua từ lâu nhưng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai, do đó không thể phớt lờ tình trạng này thêm nữa.