Sự im lặng đáng sợ

(Ngày Nay) - Nữ phóng viên Nhật Bản Shiori Ito là nạn nhân bị đồng nghiệp xâm hại tình dục. Cô kể lại những cản trở trên con đường đi tìm công lý của mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một ngày cuối tháng 5, tại một cuộc họp báo tại Tòa án quận Tokyo, tôi công bố trước dư luận về việc mình đã từng bị xâm hại tình dục. Ở Nhật, đây là một điều ít người phụ nữ nào dám làm. Nhưng tôi không thấy mình dũng cảm. Tôi đơn giản là không còn sự lựa chọn nào khác.

Ngày 4 tháng 4 năm 2015, tôi tỉnh lại trong một phòng khách sạn ở Tokyo. Tôi đã bị cưỡng bức bởi Noriyuki Yamaguchi, một cựu trưởng cơ quan thường trú Đài truyền hình Tokyo tại Washington DC.

Tôi gặp ông Yamaguchi buổi tối trước đó để bàn thảo công việc. Ký ức cuối cùng của tôi về buổi tối hôm đó là cảm giác choáng váng khi đang ăn dở bữa tối tại một nhà hàng sushi. Sau này, khi theo đuổi vụ kiện, tôi mới nhận ra tại Nhật Bản, con đường đi tìm công lý của nạn nhân xâm hại tình dục khó khăn đến nhường nào.

Sau khi bỏ chạy khỏi khách sạn và cảm thấy đau đớn trên cơ thể, tôi mới nhận thức được điều gì đã xảy ra. Bác sĩ phụ khoa mà tôi tới gặp không giúp được gì nhiều. Tôi gọi tới đường dây nóng của trung tâm xử lý khủng hoảng xâm hại tình dục duy nhất hoạt động 24/24 tại Tokyo để hỏi về bệnh viện mình có thể tới (chỉ một vài bệnh viện được cung cấp sẵn các bộ khám nghiệm xâm hại tình dục). Nhưng họ đề nghị tôi tới để phỏng vấn trước khi cung cấp thêm thông tin. Tôi quá kiệt sức để có thể đi tiếp.

Năm ngày sau, tôi tới báo cảnh sát. Tôi là một nhà báo, và mặc dù sợ hãi, tôi vẫn không muốn che giấu sự thật.

Ban đầu, các sĩ quan cảnh sát cố gắng thuyết phục tôi không trình báo vụ việc. Họ lập luận rằng sự nghiệp của tôi sẽ tan vỡ, và “những sự cố thế này vẫn thường xảy ra, nhưng rất khó điều tra”. Tôi thuyết phục họ thu thập các hình ảnh từ camera an ninh của khách sạn. Người lái xe taxi làm chứng rằng tôi đã được đưa vào khách sạn đó. Cuối cùng, cảnh sát cũng đồng ý điều tra.

Tôi đã phải khai đi khai lại nhiều lần trước vô số sĩ quan cảnh sát. Một điều tra viên nói rằng nếu tôi không khóc, không hành xử giống một “nạn nhân”, họ sẽ không thể tin rằng tôi đang nói sự thật. Có lúc, tôi phải diễn tái hiện lại những gì đã xảy ra, trong khi cảnh sát vây quanh và chụp ảnh. Tôi cảm thấy thật khổ sở và xấu hổ. Một đồng nghiệp cũ của tôi đã gọi thủ tục này là “cuộc cưỡng dâm lần thứ hai”, bởi nạn nhân buộc phải sống lại những giờ phút kinh hoàng mà họ đã trải qua.

Đầu tháng 6 năm 2015, cảnh sát Takanawa có lệnh bắt ông Yamaguchi với tội danh xâm hại tình dục. Họ có kế hoạch bắt ông ta tại sân bay Narita vào ngày 8 tháng 6, nhưng trong một động thái rất khác thường, đội trưởng đội điều tra hình sự Cảnh sát Tokyo đã đình chỉ lệnh bắt này. Đơn tố cáo của tôi được chuyển sang cơ quan này, nơi họ đề nghị tôi hòa giải ngoài tòa án. Các công tố viên chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án đề nghị truy tố ông Yamaguchi, nhưng đến tháng 7 năm 2016, họ rút mọi cáo buộc với lý do chưa đủ bằng chứng.

Khi lệnh bắt giam bị đình chỉ, tôi nghĩ rằng lối thoát duy nhất của tôi là công bố vụ việc ra trước báo giới. Tôi nói chuyện với một vài phóng viên tôi tin cậy. Nhưng không tờ báo nào, ngoại trừ tuần báo Shukan Shincho, đưa tin về vụ việc. Truyền thông Nhật Bản vẫn thường im lặng trước các vụ xâm hại tình dục - họ cho rằng tội ác này thực sự không tồn tại. Thậm chí, từ “cưỡng dâm” cũng bị cho là khiếm nhã và thường được thay thế bằng “xâm hại” hoặc “lừa dối” nếu nạn nhân là trẻ em.

Tôi đã phải trả giá vì dám công khai trước dư luận. Tôi bị xỉ vả trên mạng xã hội và nhận được những tin nhắn, cuộc điện thoại đầy hằn học từ những người giấu tên. Tôi bị gọi là “lẳng lơ”, “đĩ thỏa” và bị nguyền rủa. Họ còn tranh cãi về quốc tịch của tôi, bởi một người phụ nữ Nhật Bản đích thực sẽ không nói về những điều đáng “hổ thẹn” như vậy. Những câu chuyện đơm đặt về cuộc sống cá nhân của tôi xuất hiện khắp nơi trên mạng Internet. Tôi nhận được tin nhắn từ những người phụ nữ khác, họ chỉ trích tôi đã không tự bảo vệ mình.

Báo chí săm soi trang phục của tôi. Cư dân mạng thì bình phẩm rằng việc không cài những khuy trên cùng của áo sơ mi chính là lý do khiến tôi bị cưỡng dâm. Một nhà báo khuyên tôi nên mặc một bộ vest công sở tới nơi họp báo, nhưng tôi từ chối. Tôi quá mệt mỏi với việc xã hội muốn dạy dỗ nạn nhân cách hành xử.

Sau cuộc họp báo, tôi tránh không ra đường. Khi buộc phải ra ngoài, tôi đeo kính mát và mũ lưỡi trai để nguy trang, nhưng người ta vẫn nhận ra tôi và tự tiện chụp hình.

Nhưng những người thân đã luôn ở bên tôi. Tôi cảm thấy ấm lòng khi có những người phụ nữ cảm ơn tôi và nói rằng họ cũng từng là nạn nhân bị xâm hại tình dục, nhưng không dám lên tiếng.

Tôi lớn lên trong một xã hội và một nền văn hóa mà phụ nữ bị phân biệt đối xử và quấy rối từ khi còn nhỏ. Khi tôi 10 tuổi, một người đàn ông đã sờ mó vào người tôi tại một bể bơi công cộng. Bạn của mẹ tôi cho rằng đó là lỗi của tôi, bởi tôi mặc một chiếc áo bơi đẹp. Việc quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng đã quá phổ biến đến nỗi xã hội coi đây là chuyện nhỏ. Thời đi học, đây là điều mà tôi và các bạn gái phải đối mặt hàng ngày.

Xã hội Nhật Bản cũng có định kiến nặng nề đối với những ai dám lên tiếng về các vụ tấn công tình dục, và có một quan niệm phổ biến là nạn nhân trở nên “mất giá” trong xã hội. Đây là lý do khiến nhiều nạn nhân lựa chọn im lặng. Chỉ có khoảng 4% nạn nhân trình báo ra cảnh sát. Và kể cả khi thủ phạm đã bị bắt tạm giam, thì trong tới hơn 50% trường hợp, cơ quan công tố sẽ rút lại các cáo buộc.

Rất nhiều phụ nữ đã chia sẻ với tôi việc họ bị chính cấp trên của mình xâm hại tình dục ở công sở. Quấy rối tình dục xảy ra bất cứ nơi nào có sự mất cân bằng quyền lực - và một xã hội nam giới áp đảo như Nhật Bản là môi trường lý tưởng cho điều này.

Nhưng tôi vẫn không từ bỏ cuộc kiếm tìm công lý. Cuối tháng 9, tôi khởi kiện ông Yamaguchi lên tòa dân sự. Ông ta đã công khai bác bỏ các cáo buộc của tôi, và kiện ngược lại tôi.

Ra trước công luận, tôi muốn nói rằng toàn bộ cơ chế xử lý các tội ác xâm hại tình dục cần phải thay đổi. Quốc hội cần phải ngừng trì hoãn việc thông qua các sửa đổi cần thiết với luật chống xâm hại tình dục đã 110 năm tuổi của chúng ta. Bạo lực tình dục là một thực tế mà chúng ta cần nói tới.

Những nạn nhân không lên tiếng, bởi xã hội Nhật Bản muốn họ im lặng. Xã hội cần lắng nghe, chúng ta cần thay đổi, bởi chúng ta không thể tiếp tục chờ đợi thêm 110 năm nữa.

NHIỀU NHÀ BÁO NỮ LÊN TIẾNG

Rajini Vaidyanathan - Phóng viên Kênh truyền hình BBC

Sự im lặng đáng sợ ảnh 1

“Chúng ta có phải đợi tới khi bị họ đụng chạm vào người không? Phải làm thế nào khi họ là bạn của chúng ta? Quấy rối tình dục bắt đầu khi nào, và kết thúc ở đâu?

Một vài năm trước, một người đồng nghiệp đã có vợ đã gửi cho tôi một loạt tin nhắn, trong đó nói lên những ham muốn tình dục của anh ta. “Tôi đã nghiện thủ dâm”, anh ta viết. “Tôi không thể kiểm soát bản thân”.

Tôi cảm thấy hoảng sợ, nhưng cũng nghĩ rằng mình cần phải lịch sự vì trong tương lai, chúng tôi có khi vẫn phải làm việc cùng nhau. Nhưng anh ta vẫn tiếp tục gửi tin nhắn và các tin nhắn ngày càng khiếm nhã. Anh nói rằng muốn phản bội vợ mình và quan hệ tình dục với những người phụ nữ quyền lực.

Nhiều tháng sau, tôi nói chuyện với một nữ đồng nghiệp khác và cô ấy cho biết trong nhiều năm ròng, cô ấy đã phải nhận những tin nhắn khiếm nhã từ chính người đàn ông đó. Tôi nhận ra, đây là lúc tôi có thể chia sẻ câu chuyện của mình.

Sau đó một thời gian ngắn, anh ta bị sa thải. Một nữ đồng nghiệp khác đã gửi đơn tố cáo lên cấp trên”.

Oshrat Kotler -Phóng viên Kênh 10 - Israel

Sự im lặng đáng sợ ảnh 2

“Hai nhăm năm trước, tôi bắt đầu sự nghiệp tại Kênh truyền hình số 2. Khi đó, ông Alex Gilady - người lúc đó là CEO và hiện nay đang là chủ tịch của tập đoàn truyền thông Keshet - đã có một lời đề nghị khiếm nhã. Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ ông ta mời đi ăn tối. Khi tôi cố gắng lảng tránh và đề xuất đi ăn trưa, ông ta nói không, phải ăn tối, và phải ở với ông ta cả buổi tối. Tôi nói với ông ta rằng tôi đã có chồng, nhưng ông ấy nói “có chồng thì đã sao? Cô không biết cô phải làm gì để thăng tiến trong nghề truyền hình à. Tôi từ chối, và nói tôi thà không thăng tiến còn hơn”.

Sylvie Keshet -Nhà báo lão thành Israel

Sự im lặng đáng sợ ảnh 3

"Năm 1963, tôi và nam đồng nghiệp có tên Tommy Lapid có chuyến công tác ở London. Ông ta đòi đi chung xe taxi với tôi và khi xe về đến chỗ tôi ở, ông ta lại đòi lên nhà để gọi nhờ điện thoại. Đột nhiên, ông ta tấn công tôi và đẩy tôi ngã xuống sàn. Đầu tôi đập xuống sàn, váy áo bị xé. Khi Lapid cúi xuống cởi khóa quần của mình, tôi lợi dụng thời cơ đá vào chỗ hiểm của ông ta. Sau đó, tôi vùng chạy và lao vào bếp, lấy nước sôi hắt vào người ông ta. Tôi ném áo khoác của ông ta ra khỏi cửa, và ông ta bỏ đi.

Ngày hôm sau, tôi gửi cho ông ta một tin nhắn đòi ông ta phải đền tiền vì đã xé váy áo của tôi. Tôi cảnh cáo nếu ông ta không đền, tôi sẽ thông báo đến người vợ mới cưới của ông ấy. Lapid cuối cùng cũng chịu đền”.

Sophia Huang Xueqin - Phóng viên tự do Trung Quốc

Sự im lặng đáng sợ ảnh 4

“Năm 2011, sau khi tốt nghiệp, tôi tìm được việc làm đầu tiên ở một hãng tin. Có một lần, tôi cùng một nam đồng nghiệp cao tuổi đi công tác ở thành phố Thần Châu và phải ở lại qua đêm. Người đồng nghiệp đề xuất chúng tôi làm việc ngay trong phòng khách sạn. Vì sắp tới thời hạn nộp tin bài, tôi đồng ý.

Nhưng ông ta bắt đầu sờ soạng và hôn hít, bất chấp việc tôi yêu cầu ông ta phải dừng lại. Tôi liền đá vào hạ bộ của ông ta và chạy khỏi phòng. Tôi xin nghỉ làm một tháng sau đó.

Trong nhiều năm, tôi đã im lặng và chỉ kể về vụ việc này với vài người bạn thân. Cho đến năm trước, khi nhiều người sử dụng mạng xã hội dồn vào công kích một nữ phóng viên 21 tuổi, một nạn nhân bị đồng nghiệp xâm hại tình dục, thì tôi thấy mình không thể tiếp tục im lặng”.

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.