Nô lệ thời hiện đại

(Ngày Nay) - Đầu tháng 2 năm 2018, cảnh sát Kuwait tìm thấy thi thể của Joanna Demafelis đông cứng trong một chiếc tủ lạnh sau hơn một năm mất tích. Joanna, một người phụ nữ 29 tuổi đến từ Phillipiness, đã làm giúp việc gia đình cho một cặp vợ chồng ở Kuwait từ năm 2014. Những dấu vết trên thi thể cho thấy cô chết do bị tra tấn hoặc bóp cổ. Cặp vợ chồng chủ nhà đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
Cặp vợ chồng liên quan đến cái chết của Joanna Demafelis đã bỏ trốn
Cặp vợ chồng liên quan đến cái chết của Joanna Demafelis đã bỏ trốn

Joanna tới Kuwait với dự định kiếm tiền để giúp đỡ gia đình sửa lại ngôi nhà bị hư hỏng sau siêu bão Haiyan và trang trải chi phí học đại học của em gái. Cả hai dự định này, cô đều chưa kịp thực hiện.

Thảm cảnh người lao động di cư ở Trung Đông

Số phận bi thảm của Joanna đã phơi bày ra ánh sáng thảm cảnh của rất nhiều lao động di cư người Phillipiness làm việc ở Kuwait và các quốc gia khác ở Trung Đông.

Tổng thống Phillipiness Rodrigo Duterte phẫn nộ đặt câu hỏi: “Đến bao giờ thì sự đối xử vô nhân đạo với người lao động di cư Phillipines mới kết thúc?”. Ông buộc tội những người chủ lao động Arab thường xuyên buộc lao động di cư làm việc 21 tiếng mỗi ngày, cho ăn uống đạm bạc, thậm trí còn xâm hại tình dục họ.

Có khoảng 252.000 người lao động di cư Phillipiness làm việc làm Kuwait, một phần lớn trong đó làm nghề giúp việc gia đình. Sau khi vụ án mạng được phanh phui, hàng nghìn người đã trở về nước với chiếc vé máy bay được chính phủ cung cấp miễn phí. Những câu chuyện họ kể lại cho thấy tình trạng ngược đãi, bạo hành người lao động di cư Phillipines tại Kuwait xảy ra như cơm bữa.

Nô lệ thời hiện đại ảnh 1Tình trạng ngược đãi, bạo hành người lao động di cư Phillipines tại Kuwait xảy ra như cơm bữa

“Mẹ của ông chủ thường đánh đập tôi. Bà ta dùng một chiếc giày có đế thật dày để đánh tôi,” một người giúp việc trở về từ Kuwait cho biết.

Phillipines đã nhanh chóng ban hành lệnh cấm người lao động nước này xuất cảnh sang làm việc tại Kuwait và tìm kiếm các biện pháp bảo vệ những công dân còn đang ở đất nước này. Cơ quan Phúc lợi cho người lao động Phillipines ở nước ngoài thậm trí còn phải vươn cánh tay sang tận Kuwait để giải cứu cho một người giúp việc bị chủ giam trong nhà và chỉ cho ăn một bữa mỗi ngày.

Cho tới nay, hơn một tháng sau khi sự việc xảy ra, chính phủ hai nước Phillipines và Kuwait vẫn đang trong những cuộc đàm phán để nối lại hoạt động xuất khẩu lao động. Phía Kuwait đã phải đồng ý một số điều khoản bảo vệ quyền lợi người giúp việc gia đình đến từ Phillipines như đặt ra mức lương tối thiểu, quy định thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày, cho phép người giúp việc được sử dụng điện thoại di động và tự quản lý hộ chiếu của mình. Những quyền lợi tưởng chừng đương nhiên của người lao động ở bất cứ quốc gia nào, giờ lại thành điều mà những người giúp việc gia đình đến từ Phillipines phải đấu tranh giành lấy.

Nô lệ thời hiện đại ảnh 2Nhứng người thân của Joanna biểu tình đòi công lý cho nạn nhân

Và người lao động trong lĩnh vực giúp việc gia đình ở Kuwait vẫn nằm ngoài lề các quy định về sử dụng lao động thông thường, trong đó có quyền lợi được bảo hiểm an sinh xã hội. Nhưng nếu nhìn rộng ra toàn thế giới, họ không phải ngoại lệ.

Ngoài lề an sinh xã hội

Theo báo cáo về An sinh xã hội cho người giúp việc gia đình do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năm 2016, có tới 60 trong số 67 triệu người làm nghề giúp việc gia đình trên toàn thế giới - 80% trong số đó là phụ nữ - không được đóng bảo hiểm xã hội.

“Công việc của họ không được đề cao và không được bảo vệ. Khi người giúp việc gia đình trở nên già cả hoặc không còn đủ sức khỏe, họ thường bị sa thải mà không có khoản lương hưu hay hỗ trợ nào. Thực tế này có thể, và cần phải được giải quyết”, bà Isabel Ortiz, giám đốc phụ trách an sinh xã hội của ILO cho biết.

Giúp việc gia đình là ngành nghề lao động rất khó kiểm soát, bởi công việc thường diễn ra tại nhà riêng và người lao động thường làm việc cho nhiều hơn một chủ lao động. Đây cũng là nghề thiếu sự ổn định, hay phát sinh các khoản chi trả bằng hiện vật, lương không theo quy định chung và không có hợp đồng lao động chính thức. Do chênh lệch điều kiện kinh tế giữa các khu vực nên có một phần lớn người giúp việc gia đình là lao động di cư. Họ thường dễ bị ngược đãi và bóc lột hơn do phụ thuộc vào nhà tuyển dụng và chủ lao động, làm việc trong cô lập và không có mạng lưới quan hệ xã hội.

Nô lệ thời hiện đại ảnh 3

Trong khi khoảng trống an sinh xã hội cho nghề giúp việc gia đình tập trung ở các nước đang phát triển - với châu Á và châu Mỹ Latinh đóng góp 68% lực lượng giúp việc gia đình của toàn thế giới - nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay tại các nước công nghiệp phát triển, người lao động làm nghề giúp việc gia đình cũng không được đóng bảo hiểm.

Tại Italia, có khoảng 60% người giúp việc gia đình không được đăng ký với chính quyền và không được chủ lao động đóng bảo hiểm. Còn tại Tây Ban Nha và Pháp, có khoảng 30% người giúp việc gia đình rơi vào hoàn cảnh này.

Trên toàn thế giới, có khoảng 11,5 triệu lao động di cư đang làm giúp việc gia đình tại nước ngoài. Lực lượng này đang đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử nghiêm trọng. Có khoảng 14 quốc gia cung cấp bảo hiểm xã hội cho người giúp việc gia đình nhưng không áp dụng những chính sách này với lao động di cư.

Tại khu vực Đông Nam Á, mới chỉ có một nước duy nhất là Phillipines phê chuẩn Công ước Lao động Giúp việc Gia đình. Toàn bộ khu vực có khoảng 10 triệu người giúp việc gia đình, trong đó chỉ có khoảng 1% là có quyền lợi bảo hiểm tương đương người lao động ở những lĩnh vực khác.

Những quy định hà khắc

So với những người đồng nghiệp đang làm việc ở Kuwait, thì lao động di cư làm nghề giúp việc gia đình tại Hồng Kông có phần may mắn hơn. Họ nằm trong thiểu số những người giúp việc gia đình được hưởng quyền lợi bảo hiểm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông vẫn áp dụng những quy định hà khắc với lực lượng lao động này, trong đó có thể kể đến quy định bắt buộc người giúp việc gia đình phải sống cùng nhà với chủ lao động.

Quy định này được áp dụng từ năm 2003, với mục đích tạo một hàng rào giám sát khiến người lao động không có khoảng không và thời gian riêng tư để đi tìm việc làm thêm, làm ảnh hưởng đến thị trường lao động của Hồng Kông.

“Khi tôi đặt bút ký bản hợp đồng lao động, tôi có cảm tưởng như mình đang ký vào một bản án cầm tù bản thân. Thực tế thì còn tệ hơn là ở tù, bởi ít ra trong tù, phạm nhân vẫn có thời gian để nghỉ ngơi, giải trí hoặc xem tivi”, Grace Shiella A Estrada, một người giúp việc gia đình 57 tuổi đến từ Phillipines, cho biết.

Nhiều lao động nhập cư làm nghề giúp việc gia đình tại Hồng Kông đã lên tiếng về một thực tế rằng quy định bắt buộc ở chung nhà đã dẫn đến hậu quả là người lao động phải làm việc quá giờ, thiếu ngủ, không có không gian nghỉ ngơi tử tế và chế độ dinh dưỡng không đảm bảo.

Đã có một khoảng thời gian dài, bà Liza Marcelino phải chịu những đêm mất ngủ triền miền khi làm việc cho một gia đình có hai đứa trẻ nhỏ. Hàng đêm, những đứa trẻ đi vào phòng, bật đèn sáng và yêu cầu bà thay chăn nệm khi chúng tè dầm. Cho tới khi chính quyền ban hành những quy định mới cho phép người giúp việc gia đình có một ngày nghỉ liên tục 24 tiếng mỗi tuần, thì chủ lao động cũng ít khi tuân thủ quy định này. Họ thường tự đặt ra giờ giấc cho người giúp việc trong ngày nghỉ, hoặc giao việc yêu cầu họ phải làm trước khi ra khỏi nhà.

Khẩu phần ăn uống đạm bạc là một vấn đề nổi cộm khác đối với người giúp việc ở Hồng Kông, do họ thường phải chấp nhận những gì người chủ đưa cho. Trong suốt thời gian 31 năm làm giúp việc gia đình, bà Estrada đã từng trải qua những khoảng thời gian chỉ có một mẩu bánh mì cho bữa sáng, một gói mì tôm và miếng xúc xích cho bữa trưa và một bát cơm trắng cho bữa tối.

Năm ngoái, một người giúp việc gia đình nhập cư đã khiếu nại lên tòa án Hồng Kông yêu cầu xem xét lại quy định bắt buộc ở chung nhà, với lý do quy định này là vi hiến khi bắt buộc người lao động phải sống và làm việc cùng một nơi. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ yêu cầu của bà Nancy Almorin Lubiano với lập luận “nếu cảm thấy không thể chấp nhận quy định này, bà ấy có quyền hủy hợp đồng”. Phán quyết này được luật sư của bà Nancy đánh giá là “tòa án đã một lần nữa củng cố định kiến về người giúp việc gia đình như ‘công dân hạng hai’.”

Bảo hiểm xã hội bắt buộc, đúng nhưng chưa đủ

Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO nhiều lần nhấn mạnh rằng “không có lý do chính đáng nào cho việc người giúp việc gia đình không được hưởng an sinh xã hội, bởi an sinh xã hội là một quyền con người”.

Thực trạng người giúp việc gia đình không được bảo vệ quyền lợi đang diễn ra phổ biến trên toàn thế giới. Nhà kinh tế học Fabio Duran-Valverde, một chuyên gia cấp cao của ILO, cho biết: “Không có một mô hình cung cấp an sinh xã hội nào có thể áp dụng cho người giúp việc gia đình ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội bắt buộc (thay vì tình nguyện) là một yếu tố quan trọng để đảm bảo người lao động được bảo hiểm đầy đủ, hiệu quả tại bất cứ quốc gia nào”.

Tuy nhiên, để bảo vệ người giúp việc gia đình thì chỉ bảo hiểm xã hội bắt buộc là chưa đủ. Các chính phủ cần có cơ chế giám sát để đảm bảo rằng những người lao động này được hưởng mọi quyền lợi quy định trong luật lao động. Mảng giúp việc gia đình cũng cần phải được ưu tiên cân nhắc hàng đầu trong quá trình xây dựng các chính sách chung nhằm giảm tình trạng lao động phi chính thức.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).