Ngày 4/6, trao đổi với PV báo Pháp luật TP.HCM, bác sĩ Lê Hoàng Phúc - Phó phòng phụ trách Phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện này vừa cứu sống trường hợp ngộ độc cá nóc rất nặng từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên.
Theo đó, vào lúc 15 giờ, ngày 3/6, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn V. (63 tuổi; ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) được chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, co giật, tê cứng tay chân, cứng hàm.
Sáng cùng ngày, sau khi đặt lờ được khoảng nửa ký cá nóc mít, mặc dù nghe nhiều người nói ăn cá nóc mít bị ngộ độc nhưng ông V. vẫn… ăn thử 3 con cho biết. Khoảng 2 giờ sau, bệnh nhân cảm thấy tê tứ chi dần dần đến tê môi, gia đình vội đưa đến Bệnh viện Ngã Bảy cấp cứu và được xử trí đặt nội khí quản, rửa dạ dày, truyền dịch… Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và được xử trí thở máy, điều trị hỗ trợ và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Sau một ngày điều trị tích cực, hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã rút nội khí quản, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, còn tê nhẹ 2 tay, dự kiến chuyển đến Khoa Nội tiêu hóa – Huyết học để tiếp tục theo dõi và điều trị tiếp.
Trả lời báo Người Lao Động, bác sĩ Chuyên khoa II Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khuyến cáo, người dân không nên chế biến thịt cá nóc làm món ăn vì độc tố cá nóc thường nằm ở ruột, gan, trứng và tinh hoàn của cá. Chính vì thế, dù có làm sạch như thế nào đi nữa thì độc tố vẫn còn. Khi nhận thấy có biểu hiện bất thường sau khi lỡ ăn cá nóc (đau bụng, buồn nôn, khó thở, tê cứng chân tay…) thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.