Tại sao Thụy Điển không phong tỏa toàn quốc?

(Ngày Nay) - Hầu hết các quốc gia châu Âu hiện đang áp dụng chính sách cách ly xã hội bắt buộc và phong tỏa biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, tuy nhiên có một quốc gia tại Bắc Âu đang đi ngược lại số đông.
Người dân Thụy Điển vẫn được tự do đi lại bên ngoài. Ảnh: CNN
Người dân Thụy Điển vẫn được tự do đi lại bên ngoài. Ảnh: CNN

Tại Thụy Điển, các nhà hàng và quán bar vẫn mở cửa đón khách, sân chơi và trường học vẫn có tiếng cười đùa của trẻ nhỏ, còn chính phủ đang dựa vào hành vi tự nguyện để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Đây là một cách tiếp cận gây tranh cãi và thậm chí đã thu hút sự chú ý từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Thụy Điển đã làm điều đó, họ gọi đó là miễn dịch cộng đồng. Thụy điển đang chịu đựng rất nhiều", ông Trump nói hôm thứ Ba.

Nhưng chính phủ Thụy Điển tự tin rằng chính sách của mình có thể thành công. Ngoại trưởng Ann Linde cho rằng tuyên bố của ông Trump "thực sự sai" khi cho rằng Thụy Điển đang theo lý thuyết "miễn dịch cộng đồng" - cho phép người dân nhiễm virus trong khi chỉ bảo vệ người yếu thế, tạo ra lá chắn miễn dịch trong đa số dân chúng.

"Chiến lược của Thụy Điển là không phong tỏa và chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào việc mọi người tự chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Linde khẳng định.

Nhà dịch tễ học Thụy Điển Anders Tegnell cũng phản đối quan điểm của ông Trump. "Tôi nghĩ Thụy Điển đang làm tốt", ông Tegnell nói. "Chúng tôi đang tạo ra kết quả chất lượng giống như cách chúng tôi luôn làm. Cho đến nay, ngành y tế của Thụy Điển đang xử lý đại dịch này một cách tuyệt vời".

Tính đến ngày 9/4, Thụy Điển có 9.141 trường hợp mắc Covid-19 và 793 trường hợp tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Tại sao Thụy Điển không phong tỏa toàn quốc? ảnh 1

Đường phố Thụy Điển vẫn tấp nập và không ai đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ảnh: CNN

Cốt lõi của chiến lược phòng, chống dịch của Thụy Điển đó là khuyến khích và khuyến nghị, không bắt buộc. Hai ngày sau khi Tây Ban Nha áp đặt phong tỏa toàn quốc vào ngày 14/3, chính phủ Thụy Điển đã khuyến khích mọi người rửa tay và ở nhà nếu bị bệnh.

Tới ngày 24/3, các quy tắc mới đã được đưa ra để tránh tụ tập đông đúc tại các nhà hàng. Nhưng các hoạt động kinh doanh vẫn tiếp diễn, cùng với đó là các trường học trên cả nước. Hoạt động tụ tập lên tới 50 người vẫn được phép.

"Chúng tôi biết rằng việc đóng cửa trường học có rất nhiều ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe vì nhiều người không thể đi làm nữa. Rất nhiều trẻ em gặp khó khăn khi không thể đến trường", bác sĩ Tegnell bảo vệ quyết định mở cửa các trường học. 

Elisabeth Liden, một nhà báo ở Stockholm, cho biết thành phố bây giờ ít đông đúc hơn.

"Tàu điện ngầm giờ chỉ còn lác đác vài người mỗi toa. Tôi có cảm giác rằng đại đa số người dân đang thực hiện các khuyến nghị về cách ly xã hội một cách nghiêm túc", Liden nói. "Vài người đã bỏ thói quen hôn nhau, có người không dám tổ chức các bữa tiệc Phục sinh".

"Trận chiến không thể thắng"

Phần lớn trọng tâm trong nỗ lực chống dịch của Thụy Điển là bảo vệ người già. Bất cứ ai từ 70 tuổi trở lên sẽ được khuyên ở nhà và hạn chế tiếp xúc xã hội càng nhiều càng tốt.

Một quan chức chính phủ Thụy Điển nói rằng dù toàn dân ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ, nhưng nhiều người đã "buồn về việc không có lệnh cấm thăm người già được thiết lập cho đến gần đây (ngày 1/4), và bây giờ dịch bệnh này đã lan truyền rộng rãi trong những trại dưỡng lão, khiến số người chết tăng lên".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoài nghi về cách tiếp cận của Thụy Điển. Nhận thấy sự gia tăng của các ca nhiễm mới, WHO cho rằng Thụy Điển "bắt buộc phải tăng cường các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của virus, chuẩn bị và gia tăng khả năng của hệ thống y tế để đối phó, đảm bảo khoảng cách vật lý và truyền đạt mọi biện pháp phòng, chống cho dân chúng".

"Chỉ có một cách tiếp cận bó buộc toàn bộ xã hội  mới có tác dụng ngăn chặn sự leo thang và xoay chuyển tình trạng này", người phát ngôn của WHO Châu Âu nói.

"Đường cong dịch bệnh" của Thụy Điển - tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong - được đánh giá là dốc hơn so với nhiều quốc gia châu Âu khác với các biện pháp chặt chẽ hơn. Một nghiên cứu của Đại học Imperial College London ước tính rằng 3,1% dân số Thụy Điển đã bị nhiễm bệnh (tính đến ngày 28/3) - so với 0,41% ở Na Uy và 2,5% ở Anh.

Một số nhà nghiên cứu Thụy Điển đang yêu cầu chính phủ phải hành động quyết liệt hơn. Tuần này, nhóm bác sĩ nổi tiếng người Thụy Điển đã viết một bức thư ngỏ rằng một số lượng lớn người dân đang ghé thăm các quán bar, nhà hàng và trung tâm mua sắm.

"Điều không may này đang khiến số người chết tiếp tục leo thang ở Thụy Điển", theo cảnh báo của các bác sĩ.

Cecilia Söderberg-Nauclér - một nhà nghiên cứu miễn dịch virus tại Viện Karolinska của Thụy Điển - là một trong hơn 2.000 chuyên gia y tế và các nhà nghiên cứu đã ký một bản kiến nghị yêu cầu hành động cứng rắn hơn từ chính phủ.

"Chúng tôi sẽ không chiến thắng trận chiến này. Thật kinh khủng. Nơi tôi sống mọi người đang làm việc tại nhà, nhưng họ đến nhà hàng, quán cà phê và gặp người già và người trẻ. Đó không phải là cách ly xã hội",  Söderberg-Nauclér chỉ ra.

Tự tin vào hệ thống phúc lợi xã hội

Tom Britton, giáo sư thống kê toán học tại Đại học Stockholm, đã mô phỏng cách các bệnh truyền nhiễm hoạt động trong cộng đồng. Ông tin rằng 40% dân số thủ đô Stockholm sẽ bị nhiễm bệnh vào cuối tháng 4.

Trong khi thừa nhận khó khăn trong việc đo lường tỷ lệ lây nhiễm, ông dự đoán rằng hiện 10% dân số Thụy Điển đã mắc COVID-19.

Một số người phản đối chính sách của chính phủ, lo ngại rằng việc phụ thuộc vào hành vi tự nguyện sẽ chỉ càng làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.

Thụy Điển là một trong những quốc gia có tỷ lệ giường bệnh chăm sóc tích cực trên đầu người thấp nhất ở châu Âu, các quan chức chính phủ cho rằng việc cung cấp thiết bị bảo hộ y tế là vượt quá nhu cầu.

Tuy nhiên, theo một số cách, Thụy Điển đã chuẩn bị tốt hơn để vượt qua "cơn bão" COVID-19 so với các quốc gia khác.

Khoảng 40% lực lượng lao động của đất nước làm việc tại nhà thường xuyên, ngay cả trước khi virus lây lan và Thụy Điển có tỷ lệ người dân sống một mình cao, trong khi ở Nam Âu, không có gì lạ khi có ba thế hệ dưới một mái nhà.

Emma Grossmith, một luật sư tại Stockholm, nói rằng một yếu tố khác có lợi cho Thụy Điển là mạng lưới phúc lợi xã hội hào phóng, có nghĩa là mọi người có thể nghỉ việc nếu cảm thấy bản thân hoặc thành viên trong gia đình bị bệnh.

Chính phủ sẽ hỗ trợ chi phí kể từ ngày đầu tiên một người nghỉ việc khi có người nhà ốm. "Hệ thống ở đây đã được thiết lập tốt để giúp mọi người đưa ra lựa chọn thông minh hơn, có lợi cho dân số", theo Grossmith.

Nhưng nữ luật sư này lưu ý một khoảng cách lớn giữa cách người Thụy Điển và người nước ngoài nhìn nhận về dịch bệnh.

"Người bản địa rất tin tưởng vào các chính sách của nhà nước.Ngược lại, nhiều cộng đồng người nước ngoài cảm thấy rằng chiến lược này không được truyền đạt rõ ràng cũng như không bị thách thức mạnh mẽ trên báo chí Thụy Điển. Họ vô cùng lo lắng", Grossmith nói.

Theo CNN
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.