Gia đình 6 người của Kumar bị mắc kẹt trong ngôi nhà ổ chuột của mình bên ngoài thủ đô New Delhi, quy định không được ra khỏi nhà khiến họ mất đi thu nhập hàng ngày còn các khoản trợ cấp của chính phủ thì chỉ là những lời hứa.
Giống như khoảng 100 triệu người khác, Kumar là một lao động nhập cư. Anh rời làng quê ở Bihar, bang nghèo nhất Ấn Độ, 7 năm trước "vì một cuộc sống tốt hơn" và "nền giáo dục tốt hơn" cho những đứa con của mình.
Trước khi chính phủ Ấn Độ áp dụng chính sách đóng cửa cả nước, bắt đầu vào ngày 25/3, người đàn ông 38 tuổi này kiếm được khoảng hơn 300 rupee (chưa tới 100.000 đồng), trong khi vợ Kumar làm nghề giúp việc cho các nhà khác.
Với quy định tất cả các hoạt động ngoại trừ những dịch vụ thiết yếu phải ngừng hoạt động ở đất nước 1,3 tỷ dân, Kumar không thể ra ngoài làm việc còn vợ anh bị đuổi ra khỏi nhà chủ.
"Họ sợ cô ấy sẽ lây bệnh cho mọi người trong nhà", Kumar cho biết.
Khu nhà Kumar sống ở thành phố Ghaziabad (New Dehli) là một dãy hàng loạt các khu ổ chuột mọc sát nhau, không hề có nước máy và mọi người phải dùng chung nhà vệ sinh.
"Chúng tôi trữ nước trong xô cho nhu cầu ăn uống. Chúng tôi không thể lãng phí nước chỉ để rửa tay thường xuyên", Kumar nói.
Cách đó hàng trăm cây số, tại Dharavi - khu ổ chuột lớn nhất của Ấn Độ tình hình cũng không mấy khả quan hơn đối với Ram Kumar Gautam.
Người đàn ông 30 tuổi này đã rời khỏi nhà ở thành phố Lucknow (bang Uttar Pradesh) khi chỉ mới lên 17.
Trước khi có lệnh phong tỏa, Gautam đều đặn gửi về quê nhà số tiền ít ỏi từ mức lương 600 rupee/ngày mà anh kiếm được tại một nhà máy sản xuất màng nhôm.
"Làm thế nào tôi có thể tiếp tục gửi tiền về nhà hoặc trả các khoản vay? Tương lai hiện đang rất đáng sợ", người đàn ông bi quan.
Gautam nói rằng mình sẽ chết đói nếu không có sự hào phóng của ông chủ, người đang cưu mang anh và hàng chục công nhân khác trong khoảng thời gian khó khăn này.
"Thà chết còn hơn sống trong cảnh đói ăn"
Nỗi sợ bị đói đã châm ngòi cho một cuộc di cư của hàng trăm ngàn công nhân nhập cư và gia đình họ trở về làng quê nhà tháng trước, nhiều người không có tiền tàu xe nên chọn cách đi bộ. Chuyến đi này đã vắt kiệt sức lực và thậm chí tước đi mạng sống của không ít người.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết trong tuần này rằng 400 triệu người Ấn Độ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức có nguy cơ chìm sâu vào nghèo đói trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố sẽ chuyển tiền trực tiếp và trợ cấp lương thực để giúp đỡ khoảng 800 triệu người nghèo Ấn Độ.
Một quan chức chính phủ nhấn mạnh rằng các khoản thanh toán đang được thực hiện, nói rằng việc chuyển tiền mặt vào tài khoản ngân hàng do người nghèo mở theo chương trình quốc gia sẽ được hoàn thành trong tuần này.
Đối với Rajni Devi, một bà mẹ 3 con cho biết cô không mong mình sẽ sớm nhận được các khoản tiền này, những giấc ngủ của Devi luôn thấm đẫm nước mắt.
"Đêm qua chúng tôi chỉ được ăn một chiếc bánh mỳ trộn muối. Thà chết còn hơn sống trong cảnh đói ăn như hiện tại", Devi nói. "Tôi nghe nhiều về việc chính phủ sẽ làm điều này điều nọ. Nhưng thậm chí không ai đến để xem liệu chúng tôi còn sống hay đã chết."
Không có khẩu phần
Quay trở lại Mumbai, Vatsala Shinde có một công việc khác thường, hàng ngày bà dắt theo con bò của mình - một con vật linh thiêng đối với người theo đạo Hindu, tới sàn giao dịch chứng khoán thành phố để những nhà giao dịch mê tín cho ăn nhằm lấy may, đổi lại bà Shinde sẽ nhận được một khoản tiền nhỏ.
Sau 37 năm, chính quyền đã yêu cầu bà phải tạm dừng công việc này. Thất nghiệp và đói ăn buộc bà Shinde phải tới các điểm tiếp tế thực phẩm cho người nghèo, nhưng người người quản lý cho biết bà không thuộc diện được hưởng trợ cấp.
"Tôi chưa bao giờ thấy và trải qua cảnh tượng sự sống còn của mọi người đều bị đe dọa", bà Shinde nói.
"Rất nhiều người trong chúng tôi chỉ biết sống từ ngày này sang ngày khác", bà Alambi Shaikh (70 tuổi), một người giúp việc, cho biết. "Chính những người nghèo đã giúp đất nước này được vận hành trơn tru. Nhưng không ai nghĩ chúng tôi có giá trị gì cả."