Mức độ vi phạm quảng cáo trước và sau ngày Nghị định 28/2017/NĐ-CP có hiệu lực đã có đổi khác, nhưng đó chỉ là "niềm vui ngắn chẳng tày gang".
Mức phạt “khủng”
Rất nhiều quy định xử phạt mới được bổ sung trong Nghị định 28, tạo điều kiện cho ngành chức năng căn cứ vào đó để đề ra những chế tài trong quá trình quản lý hoạt động quảng cáo. Điều 51 của Nghị định 158 quy định xử phạt hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng thì Nghị định 28 xác định rõ hơn các chủ thể phải bị xử lý.
Lực lượng chức năng mỏng nên chưa thể bóc xóa hết quảng cáo dán trên cột điện, tủ điện |
Đó là ngoài việc xử phạt người có hành vi nêu trên thì các cá nhân, đơn vị có sản phẩm, dịch vụ hàng hóa quảng cáo cũng sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Điểm mới nữa mà dư luận rất quan tâm được quy định tại Điều 61, đó là phạt tiền từ 200 - 500 ngàn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL cũng cho rằng, Nghị định 28/2017/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực, trong đó có hoạt động quảng cáo. Theo bà Hương, Nghị định đã bổ sung thêm những chế tài xử lý nhiều hành vi vi phạm mà trước đây chưa có cơ sở pháp lý làm căn cứ xử phạt.
Hiệu quả tức thời
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, vào ngày 3 và 4/5, trước khi Nghị định 28 có hiệu lực, trên nhiều tuyến phố Hà Nội, cây xanh, cột điện, trụ điện nhan nhản quảng cáo. Các biển quảng cáo rao vặt được làm đa dạng với đủ mọi chất liệu, kích cỡ, từ các tờ giấy A4, bảng nhựa cứng đến phướn treo...
Trên đường Duy Tân (quận Cầu Giấy), các biển quảng cáo cho vay tín chấp của một số ngân hàng vẫn lủng lẳng trên cột điện, cây xanh. Đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) dài hơn 1km nhưng không cột điện nào không có dán quảng cáo bán chung cư mini giá rẻ. Tại đường Nguyên Hồng (quận Đống Đa) tràn lan quảng cáo rao vặt thông tắc bể phốt, cho thuê nhà, lắp đặt giàn khoan thông minh...
Đến ngày 5/5, phóng viên trở lại các con đường này thì thấy tình trạng dán tờ rơi quảng cáo vẫn còn, nhưng các bảng quảng cáo treo trên gốc cây cột điện không còn phấp phới mà đã được dọn sạch. Trao đổi với thanh tra văn hóa của Sở VH&TT Hà Nội và phòng văn hóa các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm thì được biết trong ngày 4/5, các đơn vị ra quân dọn sạch các quảng cáo đang được coi là “rác trời” này. Các đoàn cũng lập biên bản, ghi lại số điện thoại, địa chỉ ghi trên nội dung quảng cáo để gửi đến Sở TT&TT, thanh tra Sở VH&TT có biện pháp cắt số liên lạc, xử phạt đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, vì lực lượng còn mỏng nên các đơn vị này chưa thể bóc xóa quảng cáo được dán trên cột điện.
Sẵn sàng bỏ cửa hàng để trốn nộp phạt
Sau mỗi đợt ra quân rầm rộ của các cơ quan quản lý, Hà Nội cơ bản dọn sạch “rác trời”. Thế nhưng, chỉ sau 1 tuần các đơn vị lơi là, quảng cáo vi phạm lại tràn lan. Bằng chứng là năm 2015, sau chiến dịch đóng dấu vi phạm, tháo dỡ, cắt bỏ lên tấm banner quảng cáo các chương trình nghệ thuật vi phạm, trên các tuyến phố từ ngoại thành đến trung tâm Thủ đô vắng bóng hẳn quảng cáo chương trình thuộc hàng liveshow. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ thử nghiệm một thời gian nên vi phạm lại hoàn vi phạm. Ông Nguyễn Thanh Phong – Chánh thanh tra Sở VH&TT Hà Nội cho rằng tăng mức tiền phạt chỉ là một biện pháp, điều quan trọng là cần có nhiều biện pháp hành chính tích cực hơn. “Nhiều khi phạt cao quá lại không hiệu quả. Một cửa hàng băng đĩa, cơ sở khoan cắt bêtông… sẵn sàng bỏ cửa hàng, di chuyển địa điểm thay vì nộp phạt. Họ làm sao có doanh thu cao để chịu mức phạt 10 triệu đồng” – ông Phong nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định, mức xử phạt đã có, tìm ra người có hành vi này cũng không quá khó khi số điện thoại, tên cơ sở “chềnh ềnh” trên tờ các quảng cáo. Tuy nhiên, việc xử lý liệu có đơn giản khi mà quảng cáo vi phạm đang quá phổ biến và tràn lan. Ông Bùi Minh Hoàng – Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH&TT Hà Nội cho rằng: “Cùng với việc tăng cường công tác xử phạt vi phạm, Sở TT&TT cũng cần rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ cắt số di động vi phạm (theo quy định hiện nay là 15 ngày). Bên cạnh lực lượng thanh tra, đoàn thanh niên Sở VH&TT Hà Nội thường trực đi cắt banner, áp phích vi phạm, thì các quận, huyện cũng quản lý sát sao, có thêm người phát hiện, tháo dỡ vi phạm thì mới hy vọng bức tranh quảng cáo trên toàn TP khả dĩ hơn”.
Năm 2016, Hà Nội đã mạnh tay xử lý được biển quảng cáo tấm lớn đứng một cột vi phạm. Công việc tưởng chừng như khó làm vì động đến quyền lợi kinh tế của quá nhiều DN, nhưng vẫn có thể thành công. Năm 2017, Hà Nội có thể “nói không” với quảng cáo vi phạm hay không, khi chế tài đã đủ mạnh để xử lý lại phụ thuộc vào những cuộc ra quân có bền bỉ của nhà quản lý.
Theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 5/5/2017: Người phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông bị phạt tiền từ 200 - 500 ngàn đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Cũng có vi phạm bị xử phạt đến 30 triệu đồng…
“Căn cứ vào Luật Thủ đô, Hà Nội áp dụng mức phạt hành vi vi phạm quảng cáo cao gấp 2 - 3 lần so với quy định của Nghị định 158. Có nghĩa những hành vi phát tờ rơi dán quảng cáo không đúng nơi quy định đã có thể phạt 4 - 6 triệu đồng. Thế nhưng, mức phạt của Nghị định 28 sẽ còn cao hơn gấp 2 lần nữa. Đây là một tín hiệu vui để lực lượng thanh tra có thể mạnh tay xử lý vi phạm”
Theo Kinh tế đô thị