Theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TPHCM, việc cấm xe máy vào khu vực trung tâm (4 quận) được thực hiện theo 3 giai đoạn và cấm hẳn từ năm 2030. Sắp tới, Ủy ban MTTQVN TPHCM sẽ tổ chức phản biện đề án này, báo Dân trí đưa tin.
Việc phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để hạn chế xe cá nhân. Đồng thời, kết hợp hài hòa và triển khai đồng bộ giữa các giải pháp hành chính và giải pháp kinh tế trong việc kiểm soát phương tiện cá nhân (gồm ô tô con, xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh).
Hạn chế nhu cầu lưu thông bằng phương tiện cá nhân là cần thiết và chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Các điều kiện cần sẽ phải đạt được trước khi tổ chức hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân như: hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe mô tô, xe gắn máy, dịch vụ cung cấp xe đạp hoặc xe gắn máy điện công cộng hỗ trợ kết nối với hoạt động vận tải hành khách công cộng được thuận lợi, với cự ly tiếp cận trung bình của hành khách dưới 500m.
Cụ thể, đề án được chia 3 giai đoạn thực hiện. Từ nay đến 2020, từ 2021 đến 2025, từ 2026 đến 2030. Giai đoạn đầu để hoàn thiện quy hoạch, cơ chế chính sách, bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng được ưu tiên cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khác.
Từ năm 2021 đến 2025, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển vận tải hành khách công cộng, ưu tiên xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Giai đoạn này cũng sẽ thực hiện một số giải pháp làm cơ sở triển khai việc kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, ngừng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm thành phố.
Giai đoạn 2026 đến 2030, TP sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ tiến tới ngưng hoạt động xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực.
Ngoài ra, đề án cũng đề ra các nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng và nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân.
Sở GTVT dự kiến kinh phí thực hiện đề án khoảng 52.489 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1: 9.783 tỷ đồng, giai đoạn 2: 18.896 tỷ đồng, giai đoạn cuối là 23.810 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT, mục tiêu của đề án là để đánh giá thực trạng, xây dựng giải pháp cấp bách, dài hạn để tăng cường vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, theo báo Pháp luật TP HCM.
Tổng hợp