Việc kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là cách tốt nhất để giáo dục cho trẻ nhỏ. Trong đó, gia đình cần được đặt lên hàng đầu, vì gia đình chính là nền tảng tạo nên nhân cách của một người.
Trong bộ phim Ted (2012) của đạo diễn Seth MacFarlane, có một nhân vật phản diện là Donny. Donny lúc nhỏ bị bố từ chối một yêu cầu, từ đó anh ta thề rằng khi mình có con, mình sẽ không bao giờ nói “không” với nó.
Tuy nhiên, với cách giáo dục đó, con trai của Donny trở thành một cậu bé rất hỗn láo, muốn gì phải được nấy. Và kết cục là khi cậu bé đang cố bắt cóc chú gấu Ted, cậu đã đã bị nhân vật chính John Bennett cho một đấm vào mặt và bất tỉnh.
Tất nhiên việc đánh trẻ con là sai nên John ngay lập tức nói lời xin lỗi về hành động của mình nhưng anh vẫn cố bồi thêm một câu: “Phải có người dạy cho thằng nhóc này một bài học chứ”.
Đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong một bộ phim hài nhưng câu chuyện trên cũng đã cho thấy sự nuông chiều thái quá của các bậc làm cha làm mẹ đã làm hư hỏng con cái của họ và gián tiếp khiến những đứa trẻ đó gặp nguy hiểm khi mang tính cách của mình tiếp xúc với xã hội.
Những ngày gần đây, cộng đồng lại xôn xao về chuyện một thầy giáo đánh một học sinh đến mức nhập viện và phải bó bột cánh tay. Hành vi của thầy giáo trên rõ ràng là sai và thầy rồi sẽ chịu mức kỷ luật thích đáng với lỗi của mình.
Nhưng điều lạ là trên mạng xã hội, trên các mặt báo, có rất nhiều người gửi đến người thầy đó những lời động viên, chia sẻ, mong giúp đỡ thầy qua lúc khó khăn!
Cậu học trò bị thầy giáo đánh gãy tay ở Thanh Hóa. Ảnh: vntinnhanh.
Tôi nghĩ rằng, sự thông cảm đó là hoàn toàn hợp lý! Thông cảm không đồng nghĩa với ủng hộ hành động đánh học sinh, thông cảm là vì nhiều người hiểu được áp lực của người thầy trong bối cảnh các em nhỏ quá vô lễ như hiện nay.
Nếu muốn “trực quan sinh động”, các bạn có thể vào một tiệm internet gần một ngôi trường nào đó, đảm bảo rằng bạn sẽ không thể ngồi quá 15 phút khi liên tục bị tra tấn bởi những tiếng chửi tục tĩu nhất phát ra từ miệng của những cậu nhóc còn quàng khăn đỏ.
Vậy những học sinh hư đốn đó ở đâu ra? Phải chăng do nền giáo dục không nghiêm khắc. Câu trả lời có lẽ không hẳn là như vậy, theo tôi, trách nhiệm trước tiên thuộc về gia đình.
Ngày xưa, khi các bậc cha mẹ dắt con tới xin học thầy đồ, mong góp nhặt được vài chữ thánh hiền đều khúm núm “Trăm sự nhờ thầy” một cách đúng nghĩa.
Đương nhiên, người thầy đã được ủy quyền “trăm sự” đều hết lòng, hết sức với học sinh của mình. Ngoài dạy “văn”, các thầy còn dạy “lễ”. Tất nhiên cách dạy hiệu quả nhất vẫn là “Thứ nhất hay chữ, thứ nhì dữ đòn”.
Ngày nay, một lớp học có khoảng 40 - 50 học sinh, để giáo viên đơn thuần dạy kiến thức cho học trò thôi đã quá nặng nề. Vậy mà chúng ta còn bắt mỗi giáo viên phải theo sát, uốn nắn những thói hư tật xấu của từng em, trong khi em nào cũng tự cho mình là “ông trời con” thì quả thực là việc không thể.
Vậy nên, phụ huynh không nên có tư tưởng giao toàn bộ việc giáo dục con cái cho nhà trường, cho giáo viên, còn việc của mình chỉ là nuông chiều mỗi lần con cái đòi hỏi.
Việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội là cách thức tốt nhất để rèn giũa cho thanh thiếu niên. Trong đó, nhân tố gia đình cần được đặt lên hàng đầu, vì suy cho cùng, gia đình chính là nền tảng tạo nên nhân cách của một đứa trẻ.
Các bậc phụ huynh phải thực sự quan tâm đến con, quan tâm ở đây không phải là nuông chiều, không phải là coi con mình số một, không phải là dành toàn bộ thời gian để kiếm tiền rồi về chuộc lỗi với con bằng những món quà đắt giá.
Quan tâm ở đây đơn giản là dành thời gian bên con, đủ để hiểu con và đủ để con hiểu tấm lòng bố mẹ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Phan Huỳnh Tuấn