Mặc dù những khuyến nghị như vậy không mang tính ràng buộc pháp lý song lại có sức nặng nhất định và các thẩm phán của Liên minh châu Âu (EU) thường tham khảo theo.
Trong trường hợp này, ý kiến của cố vấn nói trên sẽ dẫn đến cuộc chiến pháp lý mà Google lâu nay đang theo đuổi nhằm lật ngược khoản tiền phạt 2,4 tỷ euro mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hồi năm 2017. Khi đó, EC cho rằng Google đã lạm dụng vị trí thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, bằng cách làm cho dịch vụ Google Mua sắm (Google Shopping) xuất hiện phổ biến trong các kết quả tìm kiếm. Vào thời điểm đó, mức phạt 2,4 tỷ euro (2,6 tỷ USD) là con số không hề nhỏ. Tòa Sơ thẩm châu Âu mở phiên xét xử đầu tiên về vụ việc này vào năm 2021, trong đó Google thua kiện. Theo đó, tòa sơ thẩm này đã ra phán quyết chống lại Google và giữ nguyên mức phạt nói trên. Tuy nhiên, tòa bác bỏ một phần vụ kiện mà EC đưa ra và tòa này cho rằng EC không đưa ra được bằng chứng về những tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường công cụ tìm kiếm. Sau đó, Google đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Công lý châu Âu, nhằm vô hiệu hóa phán quyết của tòa sơ thẩm.
Khi xem xét vụ việc, cố vấn pháp lý của Tòa án Công lý châu Âu - bà Juliane Kokott đã đề nghị các thẩm phán của tòa bác bỏ đơn kháng cáo, theo đó giữ nguyên mức tiền phạt đối với Google. Bà lập luận rằng việc Google ưu tiên dịch vụ của mình đối với các dịch vụ của đối thủ là một hình thức lạm dụng vị thế thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, nếu điều này giúp Google đạt được lợi thế cạnh tranh, thậm chí là tiềm năng đạt được lợi thế này.
Google cho biết sẽ xem xét ý kiến pháp lý nói trên và sẽ chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Công lý châu Âu.
Trong những năm gần đây, EC đã phạt một số công ty công nghệ lớn của Mỹ trong nỗ lực tăng cường quản lý các dịch vụ trực tuyến và bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng và các công ty châu Âu.