Thiên tai giáng xuống người nghèo

(Ngày Nay) - Thiên tai luôn là nỗi ám ảnh của toàn nhân loại. Với người nghèo, thiên tai giáng xuống còn gây ra những thiệt hại về tài chính và con người lớn hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta vẫn hình dung.
Thiên tai giáng xuống người nghèo

Ám ảnh những con số

Theo báo cáo “Xây dựng sự kháng cự của người nghèo trước thiên tai” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan giảm thiểu thiên tai của Liên hiệp quốc (UNISDR) công bố vào tháng 11/2016, mỗi năm thiên tai đã đẩy 26 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói và khiến tiêu dùng giảm khoảng 520 tỷ USD. Cách tính toán mới của các chuyên gia (dựa trên tổn thất “vật chất” như nhà cửa, đường xá… lẫn tổn thất ”đời sống” như chi phí y tế, thực phẩm, giáo dục…) cho thấy thiệt hại về người và kinh tế từ các thảm hoạ do thời tiết khắc nghiệt (bão, lũ lụt, hạn hán…), sóng thần và động đất gây ra cao hơn 60% so với ước tính trước đây của Liên hiệp quốc.

Thiên tai mang tới những con số đầy ám ảnh. Trong suốt 2 thập qua, khoảng 1,35 triệu người đã thiệt mạng vì thiên tai, 90% nạn nhân sống ở các nước thu nhập trung bình hoặc thấp. Năm 2008, động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc khiến gần 70.000 người thiệt mạng, 11 triệu người mất nhà cửa và gây thiệt hại kinh tế 147 tỷ USD; năm 2015, nắng nóng kéo dài ở Ấn Độ khiến hơn 1.100 người chết, phần đông là người lao động nghèo, vô gia cư; năm 2016, bão Roanu tại Sri Lanka gây ra những trận lũ quét và lở đất, xoá sổ nhiều ngôi làng khiến ít nhất 71 người thiệt mạng, 500.000 người bị ảnh hưởng nặng nề…

Theo báo cáo dày 190 trang nói trên, số người rơi vào cảnh đói nghèo sẽ còn tăng lên trong những thập kỷ tới do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết “cực đoan” như siêu bão, lụt và hạn hán ngày càng gia tăng một cách nghiêm trọng.

Đáng chú ý là đứng trước thiên tai, người nghèo phải gánh chịu hậu quả nhiều hơn so với những nhóm người khác, bởi 5 lý do chính. Thứ nhất, người nghèo thường phải chấp nhận định cư ở cả những khu vực dễ chịu rủi ro thiên tai như các vùng duyên hải để tìm kiếm cơ hội kinh tế. Ở nhiều nơi, họ thường xuyên “sống cùng lũ lụt”, chẳng hạn như người dân ở Panama và Zimbabwe. Tại các vùng đô thị, người nghèo thường sống ở những khu vực có độ rủi ro thiên tai cao hơn vì có giá đất rẻ. Việc người nghèo phải  chống chọi với tình trạng ngập ở nhiều thành phố có hệ thống thoát nước không hiệu quả có thể ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ của họ. Thứ hai, người nghèo dễ bị thương tổn và thực tế, mất mát tài sản của họ trong các thiên tai nhiều gấp 2-3 lần người khác. Thứ ba, khả năng đối phó với thiên tai và hồi phục của người nghèo thường thấp. Sau thiên tai, sự quan tâm của chính quyền, xã hội đối với họ cũng ít hơn so với các đối tượng khác. Như trong đợt lũ lụt kinh hoàng tại Nepal năm 2011, chính quyền chỉ giúp đỡ được khoảng 6% người  rất nghèo, trong khi quan tâm tới gần 90% người khá giả khác. Kể cả khi được trợ giúp thì sự trợ giúp này cũng quá nhỏ để tạo ra thay đổi bền vững. Thứ tư, thiên tai ảnh hưởng lâu dài tới giáo dục và y tế của các hộ nghèo. Họ có thể phải cho con cái nghỉ học hoặc cắt giảm các chi phí chăm sóc sức khoẻ. Thứ năm, đôi khi cuộc sống người nghèo bị ảnh hưởng trước cả khi thiên tai xảy ra. Để tránh thời tiết xấu không thể thu hoạch, người nông dân nghèo có thể gieo trồng những loại cây dài ngày, ít rủi ro. Hậu quả là thu nhập của họ sẽ bị giảm. Ngoài ra, người nông dân có xu hướng đầu tư ít hơn trong việc mua các công cụ lao động hoặc sửa sang nhà cửa, bởi sự đầu tư này có thể “trôi xuống sông biển” khi lũ lụt xảy ra.

Theo đánh giá của WB, Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu nhiều nguy cơ thiên tai như bão, lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán… Tại Việt Nam,  ước tính khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt, trong số này có rất nhiều người nghèo. Hàng năm, tổn thất kinh tế trực tiếp bình quân do bão và lụt ước bằng khoảng 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đứng thứ ba (sau Myanmar và Philippines) trong các quốc gia ASEAN.

Thiên tai giáng xuống người nghèo ảnh 1Thiên tai có thể đưa người nghèo đến tận cùng của cái nghèo

Tại Hội thảo về Giải pháp Tài chính và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai vừa được Bộ Tài chính và WB phối hợp tổ chức ở Hà Nội, ông Olivier Mahul, Chuyên gia trưởng toàn cầu, Trưởng phái đoàn, Quản lý Chương trình Giải pháp tài chính rủi ro thiên tai của WB cho biết Việt Nam có thể phải chịu tổn thất vật chất đối với tài sản của khu vực công và tư nhân do lũ lụt, bão và động đất lên đến 30.200 tỷ đồng (1,4 tỷ USD) mỗi năm. Tài sản của cư dân và tài sản của khu vực công (công sở và cơ sở hạ tầng công cộng) lần lượt chiếm 65% và 11% tổng thiệt hại.

Trong vòng 50 năm tới, với xác suất 40%, Việt Nam có thể phải chịu thiệt hại vượt quá 141.200 tỷ đồng (6,7 tỷ USD) do lũ lụt, bão hoặc động đất. Tổn thất bình quân hàng năm ở một số địa phương có thể cao hơn 1.700 tỷ đồng. Các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ có tỷ lệ nghèo cao hơn cũng có xu hướng phải đối mặt với thiệt hại cao hơn do bão và lũ lụt. Việt Nam là nước có tỷ lệ thiệt hại về người đứng thứ 22 trên thế giới, trung bình mỗi năm số người chết do thiên tai là khoảng 750 người.

Nỗ lực giảm thiệt hại

Chủ tịch WB Jim Yong Kim khẳng định hiện tượng thời tiết cực đoan khiến những nỗ lực giảm nghèo toàn cầu bị kéo tụt lại hàng thập kỷ. Bởi vậy, xây dựng khả năng kháng cự, bảo vệ người nghèo trước thiên tai không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là nhu cầu về mặt đạo đức, tinh thần. Các quốc gia và cộng đồng có thể tiết kiệm khoảng 100 tỷ USD/năm nếu đưa ra được các chính sách, biện pháp hiệu quả giúp người nghèo giảm thiểu thiên tai.

Một số chính sách, biện pháp đang được nhiều chuyên gia thảo luận nhiều nhất gồm: đảm bảo người dân nghèo không sống trong các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ lụt và lở đất; đầu tư nhiều hơn và chất lượng hơn cho cơ sở hạ tầng nhà ở, giao thông, điện, nước; bảo vệ hệ sinh thái bằng cách trồng cây ở sườn núi để chống lở đất, trồng cây đước để bảo vệ vùng duyên hải trước bão; đảm bảo an ninh lương thực...

Ngoài ra, các chính phủ cần tăng cường xây dựng các hệ thống cảnh báo thiên tai sớm, tiếp cận rộng rãi hơn đối với dịch vụ ngân hàng cá nhân cũng như các chính sách bảo hiểm thiên tai và duy trì các chương trình bảo trợ xã hội như dịch vụ chuyển tiền ngay tức thời, tạo việc làm cho người nghèo chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ví dụ điển hình là tại Kenya, trước đợt hạn hán năm 2015, hệ thống bảo trợ xã hội đã cung cấp tài chính cho 100.000 nông dân, giúp họ chuẩn bị tốt để sẵn sàng đương đầu và giảm nhẹ thiên tai.

Tại Pakistan, sau đợt lũ lụt lịch sử năm 2010, chính quyền nước này đã xây dựng chương trình cấp phát tiền nhanh chóng để giúp đỡ khoảng 8 triệu người. Colombia đang triển khai các thông lệ quốc tế tốt nhất về bảo hiểm công trình đầu tư tổng trị giá 38 tỷ USD cho các dự án hạ tầng đường bộ thế hệ tiếp theo; đồng thời sử dụng các điều kiện, điều khoản chuẩn theo thông lệ tốt nhất trên thị trường bảo hiểm quốc tế để mua bảo hiểm thiên tai cho các tòa nhà công sở. Mexico – quốc gia có độ rủi ro cao về động đất và bão – sử dụng một quỹ của nhà nước để huy động vốn cho tái thiết hạ tầng công cộng; phân bổ ngân sách hằng năm, gắn với chiến lược tài chính rủi ro thiên tai; và có khuôn khổ thể chế đảm bảo kỷ cương, dựa trên quy tắc.

Theo WB, để bảo vệ cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là người nghèo, trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới cần khoản đầu tư lên tới 1.000 tỷ USD/năm. Nhằm giải quyết vấn đề tài chính này, WB kêu gọi thành lập các quỹ hỗ trợ với các khoản đầu tư của doanh nghiệp tư nhân.

Những năm qua, Việt Nam đã chú trọng xây dựng, triển khai hệ thống các chiến lược, quy hoạch, chính sách và giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Năm 2013, Quốc hội thông qua Luật phòng, chống thiên tai. Luật Ngân sách cũng đã quy định dự phòng ngân sách nhà nước và dự trữ tài chính được sử dụng cho nhu cầu phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Hệ thống các giải pháp tài chính hiện hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp và chi khắc phục thiên tai đảm bảo nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ước tính của WB, thiệt hại kinh tế có thể lên đến mức 3,6% và 4,1% của GDP đối với các vụ thiên tai có tần suất xảy ra 1/100 và 1/200 năm. Trong trường hợp xảy ra thảm họa này, ngân sách nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Các chuyên gia tài chính của WB khuyến nghị Việt Nam nên xây dựng chiến lược bảo vệ tài chính quốc gia giúp Chính phủ lập kế hoạch tốt hơn để huy động và phân phối vốn hiệu quả nhằm ứng phó nhanh và khôi phục sau thiên tai. Chiến lược này có thể là một bộ phận trong chương trình tổng thể về quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thiên tai có thể đưa người nghèo đến tận cùng của cái nghèo. Bởi vậy, rất cần sự chung tay khắc phục hậu quả thiên tai từ chính quyền, cộng đồng và mỗi cả nhân, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.            

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.