Người trẻ thất nghiệp – “Bom hẹn giờ”?

(Ngày Nay) -  Giữa lúc nền kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng người trẻ thất nghiệp trên thế giới tiếp tục ở mức cao, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Nếu không được quan tâm giải quyết đúng mức, vấn đề này có thể trở thành“quả bom hẹn giờ” tác động tiêu cực tới nền kinh tế, cũng như sự ổn định và phát triển ở mỗi quốc gia.
Người trẻ thất nghiệp – “Bom hẹn giờ”?

Hệ luỵ “một thế hệ mất mát”

Hiện có khoảng 1,8 tỷ thanh thiếu niên (độ tuổi từ 15 – 24 tuổi) trên thế giới, chiếm 17% dân số toàn cầu. Trong số này, có tới 87% sinh sống tại các quốc gia đang phát triển. Đây chính là lực lượng lao động trẻ, tài sản quan trọng mà các quốc gia phải chăm lo, bồi đắp để họ có thể trở thành động lực dẫn dắt sự phát triển. Thế nhưng, một báo cáo công bố giữa năm 2016 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ  đang ở mức “báo động” trên thế giới. Theo thống kê, số lượng người từ 15 - 29 tuổi không có việc làm dự kiến đạt mức 71 triệu vào cuối năm 2016, tăng 0,5 triệu người so với năm 2015 và là lần tăng đầu tiên trong 3 năm qua. Con số này tương đương tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức 13,1%, cao hơn 0,2% so với năm 2015 và gần bằng con số kỷ lục 13,2% năm 2013. Theo báo cáo, các nước Ả Rập có tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao nhất thế giới (trên 30%), theo sau là các nước Bắc Phi (gần 30%).

Một thực tế đáng buồn khác là ngay cả khi có việc làm thì nhiều thanh niên tại các nước đang phát triển vẫn phải làm những công việc bấp bênh, không phù hợp với mong muốn, không tương xứng với trình độ, khả năng của họ. Rất nhiều thanh niên rơi vào cảnh đói nghèo vì mức thu nhập thấp (kiếm được chưa đến 3,1 USD, tương đương gần 70.000 đồng/ngày), không đủ để trang trải chi phí tối thiểu cho cuộc sống.

Điều đáng lo là triển vọng việc làm của giới trẻ thế giới năm 2017 và cả thập kỷ tới được dự báo không cải thiện bao nhiêu so với năm nay. Báo cáo về “Các giải pháp việc làm cho người trẻ”năm 2015 của Ngân hàng Thế giới và ILO cho biết trong vòng 10 năm tới, có khoảng 1 tỷ thanh niên thế giới tìm kiếm việc làm nhưng chỉ có khoảng 40% trong số họ có thể có được việc làm, với điều kiện nền kinh tế thế giới không xấu đi. Các chuyên gia cấp cao của ILO cảnh báo “thế giới đang chìm vào một cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có, đặc biệt ở khu vực châu Phi cận Sahara”và bức tranh việc làm u ám của giới trẻ cho thấy thế giới sẽ không dễ đạt mục tiêu xóa nghèo vào năm 2030 nếu không tăng cường nỗ lực để có được tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo nhiều công ăn việc làm tử tế, có thu nhập ổn định.

Người trẻ thất nghiệp – “Bom hẹn giờ”? ảnh 1Có một thế hệ trẻ đang đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp

Nhiều nhà xã hội học gọi những người trẻ không có triển vọng nghề nghiệp hiện nay là “một thế hệ mất mát, đe doạ gắn kết xã hội”, đồng thời cảnh báo tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên cùng với chất lượng việc làm thấp nếu kéo dài sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.Theo Ngân hàng Thế giới, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thất nghiệp là những nước mới thoát ra khỏi các cuộc nội chiến và bất ổn chính trị kéo dài. Thậm chí, tại các quốc gia tránh được chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên trên quy mô lớn, tình trạng thanh niên thất nghiệp sâu rộng vẫn làm đảo lộn cân bằng xã hội. 

Thứ nhất, “một thế hệ mất mát” không chỉ bởi mất đi sức lao động mà còn bởi tình trạng thất nghiệp ảnh hưởng lâu dài tới người trẻ và gia đình họ. Thất nghiệp sẽ ảnh hưởng khả năng kiếm tiền trong khoảng 20 năm. Bởi vì, các thanh niên không có việc làm và không chịu học hỏi sẽ không có khả năng tích luỹ kinh nghiệm và kỹ năng trong những năm đầu lập nghiệp. Họ bị gạt ra khỏi thị trường lao động và luôn đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo. Thực tế, nhiều thanh niên tại các nước đang phát triển vẫn phải phụ thuộc tài chính của cha mẹ. Đáng lo ngại hơn, thất nghiệp kéo dài có thể khiến những người trẻ không cảm thấy hạnh phúc, dẫn tới những vấn đề về sức khoẻ tinh thần như stress, trầm cảm, tự cách ly khỏi cộng đồng..

Thứ hai, thất nghiệp trong giới trẻ làm suy yếu đáng kể tiềm lực kinh tế quốc gia. Khi thất nghiệp gia tăng, chính phủ các nước phải chi một khoản tiền khổng lồ để trợ cấp thất nghiệp, giúp người thất nghiệp thoát khỏi những khó khăn trước mắt về kinh tế. Tuy nhiên, đó chỉ là các gói hỗ trợ ngắn hạn, tạm thời cho người thất nghiệp khi chưa tìm được việc làm, với điều kiện người lao động trước đó tự nguyện đóng bảo hiểm thất nghiệp, không có một nền kinh tế nào có thể trả lương thất nghiệp lâu dài và thường xuyên cho người lao động. Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao là một thách thức to lớn cho ngân sách, an sinh xã hội và phát triển bền vững. Ngoài ra, một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm việc sẽ khiến quốc gia không thể hưởng lợi từ việc tận dụng tài năng, kỹ năng, kiến thức cuả người trẻ cho sự sáng tạo để thúc đẩy kinh tế.

Thứ ba, người trẻ thất nghiệp quá nhiều sẽ làm gia tăng nguy cơ bất ổn trong xã hội; đồng thời, làm suy yếu sự liên kết giữa gia đình và xã hội, cũng như niềm tin đối với các chính sách của chính phủ. Thất nghiệp ở thanh niên không chỉ là vấn đề của thanh niên mà là của cả cộng đồng. Khi không có việc làm hoặc thiếu việc làm, thanh niên phải sống phụ thuộc vào gia đình và sự trợ cấp thất nghiệp của nhà nước. Việc làm và thu nhập của thanh niên không ổn định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự bất ổn trong gia đình, thậm chí dẫn đến bạo lực gia đình và trong cộng đồng. Thất nghiệp cao trong thanh niên làm gia tăng tệ nạn xã hội, như cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút, mại dâm... làm suy giảm niềm tin của giới trẻ đối với chính quyền, dẫn tới những bất ổn, xung đột xã hội.

 Thứ tư, trên quy mô toàn cầu, thiếu việc làm cho giới trẻ dẫn đến tình trạng các quốc gia phát triển hạn chế lao động nhập cư để bảo đảm việc làm cho công dân nước mình. Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp cao, cùng với xung đột vũ trang, thiên tai…đã khiến nhiều người trẻ muốn di cư tới các nước phát triển với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn. Theo ILO, một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy có tới 20% người trẻ trong độ tuổi 15-29 sẵn sàng rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội việc làm tại quốc gia khác. Sự đối nghịch này dễ gây ra tranh chấp xung đột giữa lao động bản địa và lao động nhập cư, làm xuất hiện và trầm trọng thêm tình trạng kỳ thị lao động nhập cư, dễ dẫn đến bất ổn xã hội. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao càng làm đậm thêm chênh lệnh giàu nghèo trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới. Đó cũng là mầm mống khiến bạo lực vũ trang gia tăng. Kết quả một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy khoảng 40% số người thất nghiệp tham gia các cuộc nổi dậy và các phong trào khủng bố trên thế giới.

“Tháo ngòi nổ”

Nhằm “tháo ngòi nổ quả bom hẹn giờ” nêu trên, các chuyên gia kinh tế, xã hội đã tìm kiếm và chỉ ra hàng loạt nguyên nhân phức tạp, đan xen dẫn tới tình trạng thất nghiệp ở người trẻ. Một trong những nguyên nhân chính là chất lượng và chính sách đào tạo của các nền giáo dục.

Thực tế, tại nhiều nước đang phát triển, giáo dục bậc cao cũng không đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Một số nền giáo dục thì không bắt kịp với nhu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động, xa rời thực tế. Hậu quả là các nhà tuyển dụng không thể tuyển được các lao động trẻ có đủ kỹ năng làm việc, mặc dù họ được trang bị lý thuyết cao. Chẳng hạn tại châu Phi, mặc dù là thế hệ được giáo dục bài bản nhất, gần 50% trên tổng số 10 triệu cử nhân ở hơn 660 trường Đại học ở châu Phi hiện nay vẫn không tìm được việc làm. Các chuyên gia ILO cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên châu Phi không chỉ do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bùng nổ dân số, mà còn do các nhà hoạch định chính sách thiếu tầm nhìn.

Hiện tượng thất nghiệp và thiếu việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học là vấn đề giữa cung và cầu, giữa nhu cầu đào tạo của các trường đại học châu Phi và thị trường lao động.  Sự mất cân đối này là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng việc làm ở châu Phi. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra “điều nực cười” là các nền kinh tế châu Phi chiếm 80% là nông nghiệp, nhưng ở đây không có một trường đại học nông nghiệp nào xứng đáng với tên gọi.

Trong bản báo cáo về việc làm thanh niên thế giới 2016, tác giả Steven Tobin - nhà kinh tế cấp cao thuộc ILO nhận định tình trạng thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ phần nhiều do nền kinh tế  phát triển chậm lại hoặc rơi vào suy thoái sâu. Tác động này thể hiện rất rõ tại một số nền kinh tế mới nổi vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu hàng hóa và thậm chí là các nền kinh tế phát triển. Mới đây, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều hạ dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 với 3,2%, thấp hơn 0,4% so với dự báo vào cuối năm 2015. Nền kinh tế không tăng trưởng, cơ hội việc làm sẽ không được tăng thêm. Trong đó, các quốc gia Ả Rập có tỷ lệ thanh thiếu niên thất nghiệp cao nhất thế giới với hơn 30%, chủ yếu là do giá dầu rơi mức thấp khiến tăng trưởng kinh tế khu vực lao đao, nhiều người không có việc làm.

Trước thực trạng trên, ILO và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đề nghị các quốc gia xúc tiến nhiều giải pháp tạo việc làm cho giới trẻ, như:  áp dụng chính sách bảo đảm xã hội trong khuôn khổ các chính sách kinh tế vĩ mô bền vững và chiến lược phát triển trung và dài hạn cho những người sống trong đói, nghèo, kém may mắn để họ có thể hòa nhập được với xã hội; áp dụng các chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế để người lao động có thể chuyển dịch từ các ngành công nghiệp dễ bị mất việc làm sang các ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm; đẩy mạnh các chính sách trợ cấp và bảo hiểm thất nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm và đào tạo lại lực lượng lao động dư thừa; khai thác tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ qua việc cắt giảm các thủ tục hành chính, cung cấp tài chính, cũng như các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; mở rộng quy mô đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng kỷ nguyên mới về công bằng xã hội...

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.