Theo bác sĩ Huỳnh Xuân Nghiêm - Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, thiết bị này là một sự kết hợp giữa công nghệ hình ảnh hiện đại và kinh nghiệm của con người.
Khi tiến hành đọc, thiết bị ThinPrep Integrated Imager sẽ quét toàn bộ hình ảnh tế bào trên tiêu bản, định vị ra 22 vùng khả nghi nhất dựa trên công nghệ hình ảnh và thuật toán tích hợp trong phần mềm. Sau đó, các nhà tế bào học sẽ đọc 22 vùng được chọn đó và đưa ra kết luận cuối cùng bệnh nhân có bị ung thư cổ tử cung hay không.
Thiết bị này đã được chuyển về Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) chiều 24/11 để hỗ trợ các bác sĩ trong việc phát hiện chính xác bệnh nhân ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Nghiêm cho biết thiết bị đọc này kết quả chẩn đoán chính xác nhất, giảm tỷ lệ âm tính giả 39% so với phương pháp đọc thông thường, đồng thời tăng tỷ lệ phát hiện các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung mức độ cao lên 38%, vì dù trên tiêu bản chỉ có 1 tế bào bất thường máy cũng có khả năng phát hiện ra và định vị lại.
“Nếu so sánh với việc đọc thủ công như trước đây, việc đọc bằng thiết bị hình ảnh tế bào tự động ThinPrep Integrated Imager sẽ tăng được độ nhạy phát hiện Ascus, Asc-H, Lsil, Hsil và tăng độ đặc hiệu lên đến 11,7% phát hiện Asc-H và tăng độ đặc hiệu lên 8,9% phát hiện Hsil. Đặc biệt thiết bị này còn giảm được tỷ lệ âm tính giả lên đến 39% mà nếu đọc thủ công sẽ không phát hiện điều này”, bác sĩ Nghiêm chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Nghiêm, ung thư cổ tử cung là loại ung thư đứng thứ 2 ở phụ nữ, sau ung thư vú. Mỗi năm tại Việt Nam có thêm 5.000 ca mắc ung thư cổ tử cung và hơn 2.000 ca tử vong. Nguyên nhân gây ra loại ung thư này là xuất phát từ việc nhiễm vi rút HPV.
Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung, nếu phát hiện sớm thì điều trị sẽ hiệu quả. Do đó phụ nữ bước vào tuổi 30 thì nên tầm soát ung thư cổ từ cung. Từ 30 tuổi đến dưới 50 tuổi thì 3 năm nên tầm soát ung thư cổ tử cung 1 lần, sau 50 tuổi thì 5 năm tầm soát ung thư cổ tử cung 1 lần. Qua 65 tuổi thì khả năng mắc ung thư cổ tử cung không còn nữa.