Trao đổi với báo chí, bác sĩ Huỳnh Liên Đoàn, Hội Y học TP.HCM cho biết, nhiều người dân không có thói quen phơi khô đũa. Sau khi rửa, họ cất đũa khi vẫn còn ướt. Trong môi trường ẩm, những loại đũa làm từ gỗ trở thành nơi sinh trưởng cho nấm aspergillus flavus - một trong những loại nấm có chứa độc tố gây ung thư.
Nghiêm trọng hơn, theo Tổ chức Y tế thế giới, đũa mốc còn sinh ra aflatoxin loại chất độc gây ung thư với độc tính mạnh gấp 68 lần thạch tín, gấp 10 lần kali xyanua và mang tính phá hoại cực mạnh đối với tế bào gan.
Chỉ cần hấp thu quá 1 mg aflatoxin người ăn cũng có nguy cơ mắc ung thư gan ở mức độ nặng. Bác sĩ Đoàn ví dụ, một người có cân nặng khoảng 70 kg, nếu hấp thu quá 20 mg aflatoxin có thể dẫn đến tử vong.
Trên thực tế, nỗi lo ung thư đang khiến nhiều gia đình thận trọng hơn trong việc lựa chọn thức ăn, mua sắm nông sản sạch, thực phẩm sạch… vì mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 126.00 trường hợp mắc ung thư mới và trên 94.000 người tử vong do ung thư, cao hơn 9 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Nhưng sẽ là “công cốc” nếu cả gia đình ăn uống bằng đũa mốc.
Theo BS Đoàn, sau 3-6 tháng sử dụng, đũa sẽ đổi màu đậm hoặc nhạt hơn. Nếu quá thời gian trên, đũa sẽ trở thành nơi sản sinh ra các loại vi khuẩn nấm mốc gây bệnh. Người dân nên thay mới đũa ăn sau 4-6 tháng sử dụng để tránh nấm mốc, tránh những bệnh tật nguy hiểm rình rập, nhất là ung thư.
Tổng hợp