Rác thải điện tử đang là vấn nạn của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Yếu tố nguyên khối đang được người dùng yêu thích bởi nhờ thiết kế này, thiết bị di động trở nên thanh thoát, đẹp mắt, sang trọng… hơn. Nắm được thị hiếu đó, các nhà sản xuất, tiên phong là Apple, liên tục cho ra sản phẩm mới để phục vụ "thượng đế" của mình. Tuy nhiên, đây lại là nỗi lo của những công ty tái chế rác thải điện tử.
"Đây thực sự là xu thế đáng sợ", Jim Puckett, người đứng đầu Basel Action Network (BAN), tổ chức phi chính phủ chuyên về rác thải điện tử có trụ sở tại Seattle (Mỹ) nhấn mạnh. "Nếu bạn là một hãng tái chế có trách nhiệm, bạn mất nhiều hơn được, bởi chi phí để phá hủy hoàn toàn một thiết bị điện tử để không gây hại cho môi trường rất lớn. Đây là lý do vì sao nhiều công ty đã chọn xuất khẩu rác thải sang các nước đang phát triển. Bạn có thể dễ dàng thấy một công nhân Hong Kong không có bảo hộ lao động, đang tự tay đập vỡ các thiết bị điện tử để lấy các bộ phận có giá trị. Họ hít thủy ngân, các chất độc hại thoát ra từ chúng mỗi ngày".
Theo Kyle Wiens của trang "phẫu thuật" thiết bị số iFixit, thiết kế nguyên khối chính là nguyên nhân khiến cho việc tái chế trở nên khó khăn hơn. "Như iPad, Apple ép kính bảo vệ, màn hình LCD và tấm cảm ứng liền mạch, ở giữa gần như không có khoảng trống. Nó sẽ tạo sự mỏng manh cần thiết cho sản phẩm nhưng khi gặp sự cố, khó có thể tách những bộ phận còn sử dụng được với các bộ phận đã hư hỏng", Wiens đưa ra ví dụ.
Các mẫu thiết bị nguyên khối đang khiến khả năng tái chế khó khăn hơn?
Cũng theo Wiens, việc tái chế các thiết bị nguyên khối như iPad còn gặp khó khăn do pin dính liền và nằm sau màn hình. "Pin là thứ cần loại bỏ đầu tiên bởi nguy cơ cháy nổ rất cao. Thế nhưng, nếu làm điều đó trên iPad, bạn phải tách màn hình trước đã", chuyên gia của iFixit lo ngại.
Không chỉ iPad, Apple còn có một số lượng lớn các sản phẩm "gây khó dễ" khi tái chế, kể cả các thiết bị nhỏ bé như Apple Pencil. "Apple có những sản phẩm chất lượng và ít khi phải sửa chữa. Nhưng càng ngày, họ càng giới hạn khả năng tái chế, hoặc chỉ có họ mới có thể làm điều này", Wiens nhận định.
Không chỉ Apple, theo thống kê từ BAN, máy tính bảng Surface của Microsoft hay một số phiên bản từ Google và Amazon còn khó tái chế hơn. Dù vậy, Wiens cho hay, những thiết kế của Apple đang tạo sức ảnh hưởng lớn: "Apple chỉ tạo ra khoảng 5% mẫu mã nhưng lại ảnh hưởng đến 95% còn lại. Đã có nhiều công ty sao chép thiết kế của hãng công nghệ có trụ sở tại Cupertino, kể cả chi tiết nhỏ nhất là con vít chống tái chế, như Huawei chẳng hạn".
Theo Puckett, các hãng sản xuất thiết bị di động, đứng đầu là Apple, nên có trách nhiệm hơn về khả năng tái chế trên các sản phẩm của mình. "Chúng tôi không cần một đạo luật, nhưng chúng tôi muốn không chỉ Apple mà các hãng công nghệ khác nên quan tâm đến thiết bị mình sau khi 'chết' sẽ như thế nào, thay vì chú trọng vào khâu 'sinh' nó. Rác thải điện tử đang tràn ngập các nước nghèo, các nước đang phát triển và nguy cơ gây hại của nó đến sức khỏe con người, môi trường sống… rất lớn", người đứng đầu BAN nhấn mạnh.
Theo VnEpress