Thủ tướng Chính phủ: Sắp xếp tổ chức bộ máy, không để ai bị bỏ lại phía sau

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Yêu cầu việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với tinh giản biên chế, Thủ tướng yêu cầu xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chiều 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc và một số Bộ trưởng là Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo tiếp tục xem xét hoàn thiện Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; việc thành lập Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; xem xét về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy thuộc Chính phủ, sau khi sắp xếp, dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương, bước đầu dự kiến giảm 500 cục thuộc bộ, các tổng cục.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng hoàn thiện phương án thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ. Sau khi sắp xếp, hợp nhất các tổ chức giảm từ 35-40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Chỉ đạo cho rằng chính sách phải có tính “cách mạng," đảm bảo đồng bộ giữa tinh gọn bộ máy; chính sách phải nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Chính sách tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay và nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chính sách nhằm gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quyết tâm duy trì, giữ chân cán bộ tốt, viên chức tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ, không để "chảy máu chất xám"…

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo; yêu cầu Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu tổng hợp, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương; đồng thời tăng cường truyền thông để người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu sâu sắc, đồng thuận cao, thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề nào đã chín, đã rõ thì báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, vấn đề còn nhiều ý kiến thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, trình phương án khả thi nhất, theo hướng bộ máy tinh gọn song phải hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, không mất chức năng, nhiệm vụ.

Đối với việc thành lập Đảng bộ Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu làm rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Đảng ủy Chính phủ với các Đảng ủy trực thuộc Bộ Chính trị như: Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương; cũng như mối quan hệ bên trong của Đảng ủy Chính phủ.

Về việc sắp xếp các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ giữ một số Tập đoàn, Tổng công ty có tính chất chủ lực, chi phối một số ngành, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ thuộc Chính phủ quản lý; các Tập đoàn, Tổng công ty khác đưa về các Bộ, ngành quản lý theo ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ: Sắp xếp tổ chức bộ máy, không để ai bị bỏ lại phía sau ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Yêu cầu việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng nhất quán, có tính kế thừa các chính sách từ trước đến nay, nhất là Nghị định số 29 của Chính phủ, song phải thiết kế chính sách vượt trội hơn, phù hợp với bối cảnh, điều kiện đất nước và phù hợp giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh chính sách phải khuyến khích được nhân lực chất lượng cao, có năng lực, sức khỏe, trình độ, tâm huyết làm việc trong Nhà nước, cũng như thu hút lao động ngoài nhà nước vào làm việc trong nhà nước; đồng thời có cơ chế để người lao động có thể “ra-vào” làm việc trong cũng như ngoài nhà nước bình thường, thuận lợi, trên cơ sở hiệu quả phù hợp.

Nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không hy sinh tiến bộ công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần và không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng yêu cầu thiết kế chính sách theo đối tượng cụ thể, chi tiết; ưu đãi hơn đối với người đã nhiều tuổi, thời gian cống hiến còn ít và người trẻ tuổi, mới vào làm việc, còn nhiều cơ hội làm việc ở nhiều khu vực khác nhau; đặc biệt, có chế độ thỏa đáng đối với người lao động hợp đồng, tránh để những người này bị thiệt thòi.

Thủ tướng cho biết với số người dự kiến và số kinh phí cần chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy, ngân sách Nhà nước hoàn toàn đảm bảo. Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng thu, giảm chi để dành ngân sách Nhà nước cho nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.
Kiến tạo tương lai cùng AI
Kiến tạo tương lai cùng AI
(Ngày Nay) - Việc công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được sử dụng để xử lý các câu hỏi trong chương trình “Giao lưu trực tuyến” với người dân vào ngày 19/12 tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chứng minh rằng khai thác tiềm năng và sức mạnh của AI trong mọi lĩnh vực đang trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Bài viết của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang về xây dựng Quân đội vững mạnh
(Ngày Nay) - Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Đại tướng, Tiến sĩ Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
100% món ăn có nguyên liệu từ cây chè.
Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè
(Ngày Nay) - Ngày 16/12, tại thành phố Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Liên hoan ẩm thực mang chủ đề “Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc” với sự tham gia của 120 người đến từ 36 đội thuộc các huyện, thành phố, đơn vị, nhà hàng…
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW
(Ngày Nay) -  Chiều 16/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.