Tại họp Chính phủ tháng 3/2016, khi một số Bộ trưởng kêu ca chuyện khó triển khai một số công việc do không có bộ máy, không có biên chế, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần không tăng biên chế, sắp xếp điều chỉnh biên chế trong ngành thì đồng ý. “Tôi cũng đã đồng ý với nhiều nơi như thế” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Ngay như việc mới đây, một số địa phương thành lập Sở Du lịch, theo người đứng đầu Chính phủ, một số trung tâm du lịch lớn thì đồng ý cho lập nhưng phải làm rõ trong đề án vị trí việc làm, biên chế tổ chức và tổng biên chế một tỉnh đó không được tăng.
Vừa qua chúng ta có hai cực, cực đoan về phía nào cũng dẫn tới không tốt. Trước đây chúng ta quản lý viên chức các đơn vị sự nghiệp rất chặt, xin thêm từng người, phải duyệt rất kỹ. Sau đó chúng ta giao tự chủ để các đơn vị tự quyết định thì lại “thu nhận quá trời thu”. Bây giờ, chúng ta giao tự chủ tài chính, biên chế, nhiệm vụ nhưng phải có khung, anh tự chủ nhưng phải trong khung khổ nào chứ không phải tự chủ.
“Tôi được báo cáo có đơn vị có đồng chí trước khi nghỉ hưu nhận 300 người. Nhận thì phải giải quyết hậu quả sau này, mặc dù là hợp đồng” – Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, việc xác định biên chế phải dựa trên nhu cầu thực tế công việc. Cụ thể, với dơn vị sự nghiệp bệnh viện là 1000 giường thì được tự chủ biên chế trong mức nào, ví dụ một biên chế bao nhiêu giường bệnh. Chúng ta đều có kinh nghiệm trong vấn đề này rồi. Còn nếu giảm bớt thì rất tốt, giúp tăng tiền lương cho các cán bộ ở đơn vị. “Không phải giao tự chủ là muốn nhận bao nhiêu người thì nhận”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài số lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đã bị “phình” to bất thường trong vài năm qua thì chất lượng của đội ngũ này cũng là điều đáng bàn và khiến nhiều người lo ngại. Người dân và doanh nghiệp liên tục kêu ca về cách giải quyết công việc của cán bộ tại các cơ quan công quyền. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà, gây thiệt hại nặng nề về tiền của và thời gian của người dân của doanh nghiệp.
Đơn cử, ngay tại Hà Nội, một người dân đã mất gần 2 năm để làm thủ tục đăng ký kết hôn lần 2 nhưng không được. Lý do bắt nguồn từ chính trình độ của những người làm công tác hành chính. Công dân này bị đẩy tới, đẩy lui nhiều lần và đi đến chỗ “mất phương hướng” không biết phải bắt đầu từ đâu nữa. Không chỉ trường hợp của người đàn ông này, nhiều người đã bày tỏ bức xúc của mình khi làm các thủ tục đơn giản như làm giấy khai sinh cho con, đăng ký hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng… cũng bị gây phiền hà, khó khăn.
Còn chuyện doanh nghiệp bị các cơ quan hành chính Nhà nước “hành” về thủ tục cũng là chuyện “cơm bữa”. Để giảm bớt thời gian, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về chính phủ điện tử. Tuy nhiên, rất nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đã kêu với Thủ tướng là khó thực hiện. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, phải đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết này vì nó rất quan trọng, là giải pháp giải quyết thủ tục hành chính. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, cán bộ công chức làm được hết mà chi phí không nhiều.
Hiện nay, nhiều bộ, ngành giao nhiệm vụ xây dựng “chính phủ điện tử” cho các cục, vụ thông tin. Theo Thủ tướng, các đơn vị này không thể làm được mà lại tốn biên chế. Nên thuê các công ty làm.
“Việc này là rất quan trọng và cần thiết. Các đơn vị sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho việc này chứ không thể bố trí riêng một chuyên đề. Việc kết nối hệ thống thông tin riêng BHXH giảm thất thoát được 11.000 tỷ. Con số này là rất lớn” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành vào ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Theo Văn phòng Chính phủ, về tình hình thực hiện một số giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết 36a tới hết quý I/2016 đã kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Tính đến ngày 24/3/2016 đã có 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ đã chính thức liên thông (gửi/nhận) văn bản điện tử với UBND TP.HCM. Hệ thống cho phép tự động nhận biết được trạng thái xỷ lý văn bản giữa 2 cơ quan.
Được biết, trong năm nay Chính phủ sẽ chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế 13.055 tỷ đồng.
Theo VOV