Thủ tướng nhất trí nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ chống sạt lở ĐBSCL

“Đây là quyết sách trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) một lần nữa mặc dù trước đó đã cung ứng một lượng vốn rất lớn cho khu vực này nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này trong cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về công tác phòng, chống sạt lở, sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 cũng như việc triển khai dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vào chiều 27/9, tại tỉnh Tiền Giang.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL ngày càng phức tạp. Toàn vùng có tổng số 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km.

Bộ trưởng cho biết, giải pháp 2 hàng cọc ly tâm phía trong thả đá hộc đã phát huy tác dụng tốt trong chống sạt lở bờ biển, giảm từ 45 tỷ đồng/1 km xuống 30 tỷ đồng/1 km đối với bờ biển Đông và từ 30 tỷ đồng/1 km xuống 20 tỷ đồng/1 km ở bờ biển Tây, đã được Cơ quan Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) thử nghiệm mô hình tại phòng thí nghiệm và được đánh giá hiệu quả cao nhất trong số các giải pháp đã áp dụng. Bộ đề nghị các địa phương đến Cà Mau, Kiên Giang tham khảo mô hình này để xem xét áp dụng, bên cạnh xây dựng kè cứng kết hợp cải tạo bãi trồng rừng ngập mặn để bảo đảm bền vững, cải tạo môi trường và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Trong vòng 10 năm gần đây, chúng ta đã bố trí tổng kinh phí 16.067 tỷ đồng để xây dựng công trình phòng chống sạt lở, trong đó 2 năm (2018, 2019) đã bố trí 4.039 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết đã đề xuất hỗ trợ 2.084 tỷ đồng kinh phí xây dựng công trình chống sạt lở bờ biển và 1.328 tỷ đồng chống sạt lở bờ sông. 

Thủ tướng nhất trí nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ chống sạt lở ĐBSCL ảnh 1

Thủ tướng thị sát khu vực bị sạt lở ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang 

Về dự báo hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020, Bộ trưởng cho biết, đến nay, mùa mưa trên thượng nguồn sông Mekong gần kết thúc, song lượng mưa đạt trị số rất thấp và dự báo lượng mưa mùa khô năm 2019-2020 ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Do vậy, tổng lượng dòng chảy về ĐBSCL thời gian tới thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Vì thế, sẽ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng nặng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi ở các cửa sông Cửu Long trong tháng 1, 2/2020. Khoảng 50.000 hộ có nguy cơ thiếu nước.

Với dự báo xâm nhập mặn năm 2019-2020, để chủ động thích ứng và giảm thiểu tối đa thiệt hại, diện tích dự kiến canh tác giảm 50.000 ha còn khoảng 1,55 triệu ha lúa Đông Xuân.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương ưu tiên sử dụng các giống chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Về dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để đến 31/12/2020 thông tuyến và vào 30/4/2021 khánh thành toàn tuyến. Đối với dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, trong tháng 11-12/2019 sẽ khởi động 4 gói thầu vào cầu Mỹ Thuận 2 và tháng 3/2020, sẽ khởi công xây dựng cây cầu này. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sau khi đi thị sát dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thì “chính thức yên tâm” vì Thủ tướng đã có quyết định bố trí vốn, ngân hàng đã cam kết tài trợ vốn cho dự án. Vốn có, mặt bằng sạch, nhà thầu có kinh nghiệm và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, Phó Thủ tướng tin rằng dự án sẽ hoàn thành đúng yêu cầu. 

Về phòng chống sạt lở tại ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã dành sự quan tâm, bố trí nhiều nguồn lực cho vấn đề này; đề nghị các địa phương tập trung triển khai thực hiện các dự án chống sạt lở, lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp, rà soát lại các điểm sạt lở để ưu tiên làm trước các điểm nghiêm trọng hơn. Cho rằng đa phần các giải pháp hiện nay là mang tính tình thế, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan cùng địa phương lập dự án tổng thể chống sạt lở ĐBSCL trên cơ sở quy hoạch vùng. 

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, nhanh trên phạm vi toàn quốc, đe dọa sự phát triển của đất nước, nhất là vùng ĐBSCL, vựa lúa, vựa trái cây, khu vực sản xuất thủy sản lớn nhất của cả nước. 

Đảng, Nhà nước làm hết sức mình để ĐBSCL phát triển. Vì thế, thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đặc biệt đến phát triển ĐBSCL, nhất là bố trí các nguồn lực xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông. Tuy vậy, tình hình sạt lở trên diện rộng gây thiệt hại rất lớn ĐBSCL, nhiều tỉnh gặp khó khăn, nhân dân lo lắng. 

Trước tình hình trên, Thủ tướng đề nghị trước hết cần tuyên truyền, vận động nhân dân, làm sao khắc phục được những phong tục, tập tục dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nhất là xây dựng nhà cửa sát sông, biển. 

Cần đánh giá tổng thể, căn cơ trên cơ sở quy hoạch ĐBSCL, hiện được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. “Từ đó, chúng ta áp dụng những tiến bộ khoa học-công nghệ trong xử lý vấn đề sạt lở ĐBSCL chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đừng để tình trạng làm trước hỏng sau”, Thủ tướng nói. “Đoạn nào phải rời dân cấp bách, đoạn nào làm đê mềm để trồng rừng, chỗ nào kè cứng, giảm thiểu khai thác cát các dòng sông, đặc biệt quy hoạch lại dân cư chủ động rồi tăng cường các biện pháp dự báo”.

Thủ tướng nhìn nhận, giải pháp 2 hàng cọc ly tâm phía trong thả đá hộc đã phát huy tốt, giảm suất đầu tư. Cần phối hợp, huy động các nhà khoa học cả trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo vệ bờ biển.  

Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức nghiên cứu một số đề tài đối với vùng bờ biển ĐBSCL, “việc nóng bỏng của dân, chúng ta phải tập trung làm vì quỹ nghiên cứu khoa học của chúng ta rất lớn”. 

Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ giải quyết hoặc kiến nghị với Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông với số vốn hơn 3.000  tỷ đồng trong 2 năm (2019, 2020) để cùng với số vốn đã giải quyết nhưng chưa giải ngân xong hỗ trợ ĐBSCL. Hiện nay, đa phần các địa phương chưa giải ngân hết các khoản vốn được giao. 

“Trước tính mạng và tài sản của nhân dân, chúng ta phải quyết tâm hỗ trợ bằng được, bảo đảm nguồn vốn cần thiết cho ĐBSCL”, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT cùng với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, các cơ quan liên quan sớm đề xuất với Thủ tướng về việc bố trí nguồn vốn trên. "Các đồng chí nói với tôi tại hội nghị rằng nếu đủ số tiền này thì cơ bản sạt lở bờ biển, bờ sông ở ĐBSCL được giải quyết thì lần này Thủ tướng đồng ý nguồn này để giải quyết dứt điểm”.

Thủ tướng lưu ý, phải sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.  

Về dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thi công với quyết tâm cao để đến 31/12/2020 thông xe toàn tuyến và đến 30/4/2021, khánh thành, bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng “làm trước hỏng sau” vì vùng này có nền đất mềm. Còn cầu Mỹ Thuận 2 thì khởi công vào tháng 3/2020. 

Về vụ Đông Xuân 2019-2020, Thủ tướng đồng ý quan điểm là phải chủ động hơn, không chủ quan khi dự báo khả năng hạn mặn thấp hơn năm 2016. Cần tính toán diện tích lúa để chuyển sang các loại cây khác phù hợp, chuẩn bị kế hoạch rất cụ thể về khoa học-công nghệ để ứng phó với tình hình hiện nay, nhất là giống. Để bảo đảm vụ Đông Xuân thắng lợi, đặc biệt là bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, Thủ tướng đồng ý với đề nghị Bộ NN&PTNT là tổ chức hội nghị chuyên đề do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì cùng với các địa phương, các ngành để giải quyết vấn đề trong mùa khô năm nay. 

Cho biết vừa được nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT báo cáo về số liệu thống kê tình hình kinh tế-xã hội cả nước tháng 9, Thủ tướng chia sẻ, các chỉ số rất tốt, trong đó tình hình các tỉnh ĐBSCL cũng rất tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; mong muốn ĐBSCL tiếp tục phát huy tinh thần, ý chí kiên cường phòng chống thiên tai, bão lũ, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Theo Chính phủ
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?