Thương trò mồ côi

0:00 / 0:00
0:00
[Ngày Nay] - Những ngày sạt lở núi kinh hoàng ở hai huyện Nam Trà My và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã lùi vào dĩ vãng, nhưng ánh mắt của đám trẻ hoảng loạn, ngơ ngác giữa núi rừng vẫn không thôi ám ảnh mọi người. Nếu không có các thầy cô bên cạnh, ủi an, liệu những học trò ấy có đứng vững trước bao ngổn ngang mất mát, có vực dậy sau đầy rẫy tang thương?
Thương trò mồ côi ảnh 1

Hiện trường một vụ sạt lở kinh hoàng ở Quảng Nam. Ảnh: Lê Xuân Thọ.

1. Hôm ấy, hai ngày sau vụ sạt lở kinh hoàng, khi đặt chân đến hiện trường vụ sạt lở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), tôi bắt gặp một hoạt cảnh đầy cảm động: một người đàn ông ôm một cậu thiếu niên vào lòng, thỉnh thoảng là những cử chỉ vỗ về, an ủi. Cậu thiếu niên ấy là Lê Thanh Tú, học sinh lớp 11 Trường THPT dân tộc nội trú Nam Trà My, còn người đàn ông đang chở che cho cậu, là thầy giáo Hồ Văn Việt.

Trong khi thầy Việt quan sát cảnh kiếm tìm nạn nhân mất tích, thì Tú gần như gục hẳn vào lồng ngực thầy, họa hoằn lắm, cậu mới đưa ánh mắt chất chứa nhiều nỗi lo của mình về phía chân núi Trà Leng, nơi bố của Tú vẫn đang còn nằm đâu đó dưới những lớp đất đá khổng lồ kia. Rồi cơ chừng mệt mỏi, cậu vục mặt vào lồng ngực của thầy Việt, như muốn bỏ mặc những âm thanh đau khổ, tuyệt vọng đang vang cả góc núi.

Vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng xảy ra vào trưa ngày 28/10, nơi đây có 11 ngôi nhà và 53 người sinh sống. Thầy Việt nói rằng buổi chiều của cái hôm xảy ra vụ sạt lở, thì nhà trường nắm được thông tin và biết có gia đình của 6 em học sinh của trường là nạn nhận của vụ sạt lở. “Thống nhất là tạm giấu, vì sợ các em lo, nhưng các em lên mạng, các em đọc, các em biết.

Thương các em, và cũng sợ các em lén bỏ trường về nhà khi sạt lở còn đang diễn biến phức tạp, cũng như đường vào Trà Leng đang bị sạt lở vùi lấp, nên các thầy cô cùng nhau bên cạnh, an ủi các em” - thầy Việt kể.

Thương trò mồ côi ảnh 2

Thầy Việt luôn bên cạnh, an ủi em Tú. Trong vụ sạt lở ở Trà Leng, em Tú đã mất bố. Ảnh: Lê Xuân Thọ.

Mãi cho đến hai ngày sau vụ sạt lở, khi trời thôi đổ những cơn mưa lớn, và khi lực lượng công binh thông được các tuyến đường vào Trà Leng, thì ban giám hiệu Trường THPT dân tộc nội trú Nam Trà My mới cho xe đưa các em về Trà Leng. Mỗi em luôn có một giáo viên bên cạnh. Trong 6 em có người thân trong gia đình là nạn nhân của vụ sạt lở, thì có 4 em có người thân mất.

Cách nơi đứng của thầy Việt và Tú không xa, là em Hồ Văn Hải và cô giáo chủ nhiệm của mình - cô Nguyễn Thị Hạnh. So với Hải, thì Tú dù gánh nỗi đau mất bố, nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều, bởi vụ sạt lở đã cướp đi 8 người trong gia đình Hải…

2. “Lần gần nhất em về nhà là khi nào?” - tôi hỏi Hải, em đáp vừa đủ nội dung tôi cần biết: “Thứ Bảy vừa rồi”. Tôi nhẩm tính, là 4 ngày trước. Rồi quay mặt đi, trong khi một nữ đồng nghiệp của tôi đang vục mặt khóc. Là chỉ mới 4 ngày, mà một cậu bé học lớp 11 trở thành mồ côi. Đau hơn cả sự đau, là cậu không còn bất kỳ người thân nào trong gia đình cả.

Mới hôm nào đó, cậu trở về nhà, cười với em, đùa với anh chị, ngồi bên cạnh bố mẹ. Vậy mà giờ đây cả khoảng trời của cậu đã bị hàng nghìn khối đất đá vùi lấp. Trong khi Hải thi thoảng dáo dác đưa mắt tiềm kiếm hy vọng, thì cô Hạnh, đứng bên cạnh siết chặn tay cậu thay cho những lời an ủi mà cô Hạnh biết rằng trong những phút giây ấy, Hải khó mà “tiếp nhận” được.

Thương trò mồ côi ảnh 3

Cô Hạnh lo lắng cho quãng đời sau này của học trò mình sau khi vụ sạt lở cướp đi 8 người thân trong gia đình em Hải. Ảnh: Lê Xuân Thọ.

Mà mắt cô Hạnh cũng đỏ hoe rồi, chắc cô khóc vì sự mất mát của học trò mình. Cô luôn miệng lặp đi lặp lại, rằng từ đây cho đến khi các em xong cấp 3, nhà trường sẽ lo. “Nhưng quãng đời sau đó của các em thì sao?” - cô Hạnh chua xót.

Tương lai, ngay cả người đang trong hoàn cảnh bình thường, còn không dám nói tới, huống chi các em đang gánh nỗi đau thấu trời. Mà, cô Hạnh hỏi điều đau đáu ấy, chắc hẳn là cô rất thương yêu học trò của mình. Cô lo một quãng mịt mùng đang giăng phía trước học trò mình.

Làm giáo viên bây giờ, cơ cực đủ điều, và dù cho các tuyến đường ngược núi đã mở, thì nỗi cơ cực của giáo viên miền núi không vì thế mà vơi đi. Họ mãi trong những trăn trở khi gieo chữ nơi non cao, vừa cho trò, vừa cho mình.

Nay tai ương ập xuống đầu học trò mình, lòng họ như quặn thắt, nếu không phải vì yêu thương học trò, thì liệu họ có chung cuộc đớn đau kia không? Và, nếu không phải vì yêu thương học trò, liệu họ có òa lên mừng rỡ khi vài ngày sau đó, tôi gọi điện thông báo là có người sẽ nhận đỡ đầu cho em Hải sau khi em tốt nghiệp cấp 3!

3. Ở điểm sạt lở của huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), tôi bắt gặp những giáo viên “bỏ mặc” mình để chăm lo cho học trò của mình, vì “các em cần mình hơn. Mình mất đi nhà cửa, của cải, còn các em, đã vĩnh viễn mất đi ngôi nhà lẫn người thân trong gia đình” - cô Hồ Thị Thùy Dung, giáo viên Trường THPT dân tộc nội trú Phước Sơn.

Thương trò mồ côi ảnh 4

Giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn bên cạnh học trò mồ côi sau vụ sạt lở. Ảnh: Lê Xuân Thọ.

Trong trường ấy, còn có thầy Hồ Văn Hiền. Cả cô Dung và thầy Hiền đều là người Giẻ Triêng, đều là cựu học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn. Ra trường, cả hai cùng về lại trường, tiếp tục dạy dỗ thế hệ đàn em.

Trước bão số 9, tức là trước vụ sạt lở, cô Dung và thầy Hiền cùng nhiều thầy cô khác được phân công ở lại trường, vừa tham gia phòng chống bão, vừa chăm sóc cho các em. Trước đó, dù đã có chỉ đạo cho học sinh nghỉ học, nhưng lo sợ nguy hiểm cho các em nên trường quyết định giữ các em ở lại. Các thầy, cô cùng túc trực.

Vậy mà buồn thay, hôm chúng tôi gặp, cô Dung phải bên cạnh động viên em Hồ Văn Lan, học sinh lớp 10. Lan mồ côi cha từ 6 năm trước, trật sạt lở kinh hoàng vừa rồi làm chữ “mồ côi” của em đậm thêm khi đã cướp đi bà ngoại, mẹ và em gái của Lan.

Trận sạt lở đã cuốn trôi ngôi nhà mới chưa được một ngày ở của cô Dung. Ngôi nhà mà hai vợ chồng cô gom góp nhiều năm, vay thế chấp lương thêm 150 triệu đồng nữa mới đủ làm. Còn phần thầy Hiền, trong trận bão, trong khi thầy lo giữ học sinh, thì ở nhà, nước nước suối dâng cao cuốn sạch toàn bộ gia sản của vợ chồng thầy.

Vậy mà những cô Dung, thầy Hiền, hay cô Hạnh, thầy Việt... phải gác những mất mát, những nỗi lo phía trước của mình, của gia đình mình để bên cạnh học sinh của mình, vì thương các em bỗng chốc thành mồ côi, đến khốc liệt.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.