Hội thảo có sự tham gia của ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học; GS.TS Nguyễn Văn Minh - Ủy viên Hội đồng, Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội; PGS.TS Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; TS Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng vơi sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục các cơ sở giáo dục đại học, các Sở GD&ĐT, hiệu trưởng các trường phổ thông trên toàn quốc…
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT nhận xét: “Đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin, truyền thông đang làm thay đổi sâu sắc nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và quản trị nhà trường. Việc ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, truyền thông trong giáo dục và đào tạo tất yếu dẫn đến việc hình thành mô hình “Giáo dục điện tử” hay “Giáo dục thông minh”...
Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông phát biểu khai mạc hội thảo |
Đối với hoạt động dạy học, giáo dục thông minh giúp mở rộng không gian, thời gian, tài liệu dạy học và phương pháp, hình thức dạy học, giúp vượt qua các giới hạn của bài giảng trên lớp thông thường…
Hội thảo tập trung vào 2 chủ đề chính, gồm “Đổi mới giáo dục phổ thông: Những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới” và “Mô hình giáo dục thông minh: Lý luận và các giải pháp triển khai”.
Các tham luận đã tập trung làm rõ một số vấn đề về chương trình giáo dục phổ thông mới và những thách thức cần vượt qua; những yeu cầu và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, hội thảo còn tiếp cận một số mô hình giáo dục thông minh như sử dụng mô hình Blended Learning đổi mới phương pháp dạy học trong giáo dục thông minh, mô hình giáo dục thông minh của Hàn Quốc; xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến gợi mở trong tiếp cận và xây dựng giáo dục thông minh gắn với đổi mới giáo dục phổ thông. Đại diện Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho rằng không phải rất cả các trường phổ thông đều có điều kiện để trở thành trường học thông minh nên chỗ nào có khả năng đầu tư được thì cứ đầu tư trước và cần có một số mô hình điển hình để các đơn vị có thể tham khảo.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng đã ban hành khung kiến trúc công nghệ thông tin ngành GD&ĐT với mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng trong đó có hạng mục trường học thông minh, lớp học thông minh. Năm 2018 đã hoàn thành khâu mua sắm, trang bị phần cứng để chuẩn bị triển khai với khoảng 60 tỷ đồng”.
Riêng PGS.TS Vũ Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã – Văn phòng Chính phủ cho rằng muốn hiện thực hóa giáo dục thông minh thì có hai việc cần phải làm. Trước hết, Bộ GD&ĐT phải đưa khái niệm này vào trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn tới để tạo hành lang pháp lý. Ngoài ra, giáo dục thông minh đặt trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông thì phải làm rõ được chương trình giáo dục phổ thông mới tác động đến giáo dục thông minh như thế nào và những đóng góp của giáo dục thông minh với chương trình giáo dục phổ thông mới.
PGS.TS Vũ Đức Minh cũng lưu ý ngành GD&ĐT nên có những đóng góp để xây dựng Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Điểm đáng chú ý trong Đề án Hệ tri thức Việt số hoá là sự đóng góp tri thức của người dân thông qua việc đặt các câu hỏi về những vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống. Những nội dung này sẽ hỗ trợ rất đắc lực cho giáo dục & đào tạo. Về gợi ý này, ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, trong chương trình Trường học kết nối thì Bộ GD&ĐT đã có dẫn kèm thêm link của Hệ tri thức Việt số hóa để cán bộ, giáo viên vừa có thể tham gia đóng góp, đặt câu hỏi vừa khai thác các tài nguyên phục vụ cho việc dạy - học.