Quy định chung chung
Đề cập đến việc giải quyết hậu quả của việc Hoa Kỳ sử dụng chất độc hóa học trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, Bộ Chính trị đã có Thông báo số 69-TB/TW ngày 5/7/2002, trong đó chỉ rõ: “Giải quyết hậu quả chất độc da cam (dioxin) là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay… Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này… Cần có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân… Tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ… có khả năng hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam, giúp đỡ các nạn nhân”. Đồng thời, “cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc các nạn nhân, các tổ chức xã hội kiện các tổ chức sản xuất và sử dụng chất độc hóa học; đồng thời chuẩn bị đủ hồ sơ, căn cứ pháp lý, luận cứ khoa học để khi có điều kiện, ta sẽ đặt vấn đề đòi bồi thường ở cấp Nhà nước”.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Trung tướng Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) khẳng định: còn tồn tại một số bất cập đối với nạn nhân da cam.
Ông Lực phân tích: Chính sách đang vướng trong việc xác định một người có phải nạn nhân da cam hay không? - Tiêu chí cơ bản để xác định việc này là người đó có mặt tại khu vực được cho là ô nhiễm trước 30/4/1975. Tuy nhiên, điều này hiện đang gây khó cho việc rà soát bởi nhiều người đã mất giấy tờ, trong khi việc giải mã của Bộ Quốc phòng cũng rất chậm. Hiện nay, chúng ta đã gỡ dần bằng cách trường hợp nào Bộ Quốc phòng không giải mã được thì cho phép chứng nhận, nhưng ai, cấp nào được phép chứng nhận là một bài toán khác.
“Nếu xét trên tiêu chí bệnh tật, chúng ta có 17 bệnh trong danh mục nhưng khi chúng tôi tiếp xúc thực tế thì hội đồng y khoa một số nơi cũng chưa hiểu hết về những bệnh này cũng như triệu chứng của nó. Do vậy, khi áp danh mục này vào, y tế cơ sở địa phương tỏ ra lúng túng và trả lại hồ sơ. Đó là chưa kể một số bệnh do chất độc hóa học gây ra nhưng nằm ngoài danh mục như các bệnh về hệ thống tiêu hóa, vòm họng…” – ông Lực chia sẻ.
Đồng quan điểm, đại diện một số địa phương chuyên làm công tác chính sách xã hội cũng thừa nhận: Một trong những hạn chế lớn nhất của chính sách là chưa phân định rõ người bị nhiễm chất độc hóa học có biểu hiện bệnh, tật gì và con đẻ của họ dị dạng, dị tật như thế nào?
Quy định về diện hưởng chế độ chỉ ghi nhận rất chung chung: “mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hóa học, không còn khả năng lao động” hoặc “bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt”. Quy định thiếu tính cụ thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể lại gây nên nhiều mâu thuẫn khó xử lý.
Mặt khác, do quy định chung chung “bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động” nên các địa phương hiểu theo những cách khác nhau, vận dụng khác nhau. Nhiều cán bộ chuyên trách không biết cụ thể biểu hiện bệnh như thế nào, mức độ, tình trạng của bệnh tật ra sao… để xét trợ cấp, hỗ trợ. Dễ lý giải vì sao việc giải quyết chính sách mỗi địa phương làm một kiểu, cách giải quyết chế độ cũng khác nhau.
Vấn đề xác định bệnh đang đặt ra rất bức thiết. Hội Nạn nhân chất độc da cam đã và vẫn đang kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam, kể cả Chính phủ, đầu tư nghiên cứu mối quan hệ nhân quả giữa chất độc da cam và các bệnh cụ thể, dùng phương pháp đối chứng, thực chứng để xác định, so sánh các vùng miền khác nhau…
Cần xây dựng Luật Da cam?
Cách đây 1 năm, tại Hà Nội, VAVA đã tổ chức Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” toàn quốc lần thứ III. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu đưa chương trình chăm sóc, giúp đỡ người dân vùng phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin vào chương trình an sinh xã hội phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị. Cùng với đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam, đảm bảo không để sót đối tượng nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng, trục lợi cá nhân. Tạo điều kiện để nạn nhân chất độc da cam từng bước xoá bỏ rào cản, hòa nhập tốt hơn vào đời sống xã hội.
Theo nhiều chuyên gia y tế, bệnh về da cam/dioxin có tính chất đa bệnh, tích tụ, và khó chữa, chủ yếu là các bệnh nặng như: liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thoát vị não, tật không có tủy sống, teo vận động mạch phổi… Với tính chất như thế, việc điều trị vô cùng tốn kém và tiền như muối bỏ bể. Nếu không được hỗ trợ đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, nhiều đối tượng nghèo bị nhiễm chất độc da cam sẽ khó có thể “trụ” được.
Từ năm 1991, Mỹ đã ban hành Đạo luật Da cam, trong đó ghi rất đầy đủ những ai được hưởng, hưởng như thế nào, những bệnh tật nào… Ở Việt Nam, trong xu hướng phát triển xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật nói chung, vấn đề này cần được nâng dần lên, có tính pháp lý mạnh và chặt chẽ hơn.
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bày tỏ mong muốn có Luật về vấn đề nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ông Nguyễn Thế Lực nói thêm: “Có ý kiến cho rằng, số lượng nạn nhân dần sẽ ít đi theo thời gian và Luật ra đời sẽ không tồn tại được lâu. Theo tôi không phải như vậy. Khảo sát năm 1999 – 2000, lượng nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác so với khảo sát vừa qua của chúng tôi tại một số tỉnh thành. Trong đó có những tỉnh số nạn nhân nâng lên gấp 4 lần như Ninh Bình; Tây Ninh gấp 1,5 lần. Không phải số lượng nạn nhân giảm dần đi, mà do trước đây công tác thống kê chưa đầy đủ, hiện số lượng nạn nhân được sinh ra ở các thế hệ mới tăng lên. Những vùng nóng còn tồn lưu cao chất độc da cam/dioxin là nguy cơ tiềm ẩn, làm gia tăng số lượng nạn nhân.
Hiện cả nước có khoảng 300.000 nạn nhân là con, cháu, chắt của người bị nhiễm trực tiếp; có gần 200 nhóm bệnh tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Việc xây dựng luật về chất độc da cam càng được quan tâm hơn bởi khi luật ra đời, tính pháp lý của vấn đề này sẽ mạnh mẽ, rõ ràng, chính xác hơn, có tính ràng buộc cao hơn. Hơn hết, những nạn nhân sẽ được hưởng lợi ích nhiều hơn.
Việc nuôi dưỡng những nạn nhân chất độc da cam đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm:
Ngày 13/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề.
Ngày 24/01/2014, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ra Quyết định số 109/QĐ-BLĐTBXH thành lập Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Kỹ thuật Trần Hưng Đạo.
Ngày 31/3/2014 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có Công văn số 961/LĐTBXH-BTXH cho phép thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội được xây dựng trên diện tích 16,7 ha đất, được Bộ Quốc phòng giao, tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Ngày 10/3/2016, Trung tâm được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Địa phương nào nhiều người nhiễm chất độc da cam nhất?
Hiện nay, vẫn còn rất nhiều tỉnh có tỷ lệ người nhiễm da cam khá cao, điển hình như tỉnh Thái Bình có hơn 30.000 người, Hà Nội trên 54.000 người, Thanh Hóa hơn 23.000 người, Quảng Trị hơn 20.000 người… Đây là những tỉnh có tỷ lệ người nhiễm chất độc da cam nhiều nhất và có gia đình có tới 3 thế hệ gồm: bố, con và cháu đều bị nhiễm. Thậm chí có gia đình có tới 4 thế hệ cùng nhiễm.
Chất độc da cam đã khiến hàng vạn phụ nữ không có cơ hội làm mẹ, sinh ra những đứa con dị tật, những đứa con không được quyền làm người vì vừa lọt lòng mẹ hoặc vừa sinh ra một thời gian ngắn rồi qua đời...